BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ GIẢI TRÌNH Ý KIẾN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH CỦA HĐND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

01/04/2021

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 01/04, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Hà Nội là thủ đô có diện tích lớn nhất cả nước, hơn 3.339 km2, dân số của Hà Nội khoảng 10 triệu người, trong đó 8 triệu người là người cư trú, có tổng số 30 đơn vị hành chính trực thuộc, 584 đơn vị hành chính cấp xã.

Để phân tích rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ so sánh số liệu của Hà Nội với TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, TP. Hồ Chí Minh có diện tích 2095 km2, quy mô dân số khoảng 8,6 triệu người, có 24 đơn vị hành chính cấp huyện, 322 đơn vị hành chính cấp xã. Do đó quy mô của Hà Nội lớn hơn quy mô của TPHCM.

Trong Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của TP.Hồ Chí Minh là 19 đại biểu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, TP.Hồ Chí Minh có điều kiện thực hiện chính quyền đô thị trong thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi và có hiệu lực nên TP. Hồ Chí Minh không phải thí điểm chính quyền đô thị.

Còn Hà Nội thực hiện trong điều kiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa được thông qua nên Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường. TPHCM tổ chức cả ở cấp phường và cấp quận nên mô hình chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh rõ hơn, cụ thể hơn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích thêm, Hà Nội đáng lẽ bỏ HĐND cấp phường thì tăng số lượng đại biểu cấp quận. Nhưng theo đề nghị của TP. Hà Nội, cấp quận là cấp HĐND trung gian, vấn đề tập trung quyền lực, xây dựng thể chế… lại đều nằm ở HĐND thành phố nên HĐND cấp quận hiện nay không cần thiết tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Đề nghị tăng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố.

Do đó số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là như nhau và đa số đại biểu rất đồng tình với vấn đề này. Liên thông thống nhất trong cơ quan Đảng, Nhà nước, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có 4 Phó Bí thư nhiều hơn so với các tỉnh ủy khác. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có 6 Phó Chủ tịch, nhiều hơn so với các tỉnh thành khác. Như vậy, số đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành khác là phù hợp.

Vấn đề thứ hai các đại biểu quan tâm là về phụ cấp của đại biểu hoạt động chuyên trách. Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, hiện nay trong thang bảng lương và danh mục vị trí việc làm chưa có chức danh đại biểu chuyên trách của các ban HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức thí điểm và hưởng phụ cấp 0,6 bằng phụ cấp của trưởng phòng cấp sở, và TP. Hồ Chí Minh hiện nay cũng hưởng phụ cấp 0,6.

Như vậy, phụ cấp của đại biểu hoạt động chuyên trách của các ban HĐND không thể cao hơn hoặc bằng với phụ cấp của Phó ban HĐND. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để làm đồng bộ cho phù hợp, tức là mức phụ cấp này sẽ không cao hơn của thành phố và không cao hơn hoặc bằng phụ cấp của Phó ban HĐND.

Theo Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết, giao cho Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với đại biểu chuyên trách các ban HĐND.

Về cơ chế hoạt động của các đại biểu hoạt động chuyên trách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định sau khi có Nghị quyết của Quốc hội được thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phiên làm việc chiều 01/04 có 6 ý kiến đại biểu phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt cơ quan soạn thảo đã tiếp thu giải trình. Các ý kiến phát biểu của đại biểu rất tâm huyết, cụ thể, nhìn chung, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố Hà Nội như đề xuất của Chính phủ nhằm phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô, đáp ứng yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng lớn của chính quyền thành phố Hà Nội.

Theo đó từ nhiệm kỳ 2021 - 2026 và trong suốt thời gian thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 97/2019/QH14 sẽ được bố trí tăng thêm số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội còn góp ý cụ thể, đề nghị quan tâm đến chất lượng của đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, làm rõ vị trí pháp lý, làm rõ hơn cơ chế hoạt động của đại biểu chuyên trách, có phương hướng tăng cường hoạt động của đại biểu HĐND ở cơ sở để vừa góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, vừa góp phần đào tạo cán bộ lâu dài. Đồng thời cần quan tâm hơn đến chế độ phụ cấp của ủy viên chuyên trách HĐND, đại biểu HĐND, xác định phù hợp vị trí tương đương của ủy viên chuyên trách HĐND nói riêng, cơ quan dân cử nói chung trong hệ thống chính trị, đảm bảo điều kiện làm việc, vừa phát huy năng lực, vị trí, vai trò của ủy viên chuyên trách trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong cơ quan dân cử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp thu, giải trình cụ thể và sẽ được Tổng Thư ký chỉ đạo, tổng hợp, gửi đến các đại biểu Quốc hội theo quy định. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cho cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này./.

Bích Ngọc - Minh Thành