PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM NGÔ SÁCH THỰC: TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT ĐỂ HOẠT ĐỘNG BẦU CỬ ĐƯỢC TIẾN HÀNH DÂN CHỦ, CHẶT CHẼ

31/03/2021

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, đảm bảo dân chủ, khách quan và phản ánh ý chí, nguyện vọng của các cơ quan, tổ chức và người dân.

Theo tiến độ của công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tính đến thời điểm nay, các địa phương trong cả nước đã hoàn thành Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai.

Cụ thể, trong các ngày từ 15/3/2021 đến ngày 19/3/2021, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.  Kết quả, sau Hội nghị nghiệp thương, cả nước có 76 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ là 8,64%. Tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.084 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.

Ông Ngô Sách Thực cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, đảm bảo dân chủ, khách quan và phản ánh ý chí, nguyện vọng của các cơ quan, tổ chức và người dân.

Kết thúc Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2, Hội nghị đã cơ bản tán thành với danh sách sơ bộ, Cơ cấu và thành phần, số lượng người ứng cử bước đầu bảo đảm theo quy định. Trong Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, nhiều ý kiến, các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều bày tỏ sự đồng tình rất cao là cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, các ý kiến cũng thống nhất rằng yêu cầu cao nhất đối với đại biểu chuyên trách là phải có đủ tâm, đủ tầm.

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, theo quy định tại Kế hoạch 42 của Hội đồng Bầu cử quốc gia, việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì trước 17h ngày 19/4 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương. Chậm nhất vào ngày 23/4, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ gửi biên bản Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Thưa ông, vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu rất quan trọng, điều này cần sự giám sát chặt chẽ trong các hội nghị hiệp thương và tiếp xúc cử tri. Theo ông, làm thế nào không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, yêu cầu của người ứng cử đại biểu?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Quốc hội là khối đại đoàn kết, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Cơ cấu, thành phần cần được chú trọng, nhưng không vì cơ cấu, thành phần mà hạ thấp tiêu chuẩn, vì vậy, tiêu chuẩn là vấn đề đặt ra hàng đầu. Làm thế nào để đảm bảo lựa chọn người ứng cử đủ tiêu chuẩn, theo tôi trong khâu giới thiệu của các cơ quan cần chọn người tiêu biểu, đúng tiêu chuẩn, đây là yếu tố rất quan trọng. Việc thứ hai là trong các hội nghị hiệp thương, nhất là trước khi diễn ra Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, cần lấy ý kiến giới thiệu nơi công tác của người ứng cử.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Theo quy định, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, người ứng cử khi nộp hồ sơ cũng cần lấy ý kiến nơi cư trú và nơi công tác của ứng cử viên đó. Việc lấy ý kiến nơi cư trú là quy trình bắt buộc, thể hiện sự tín nhiệm của cử tri. Để làm tốt quy trình này, quy trình hiệp thương cần phải được tiến hành thật sự dân chủ, có thời gian nghiên cứu những nội dung được nêu trong hội nghị hiệp thương hoặc qua phản ánh của cử tri về các ứng cử viên và cần được cơ quan có thẩm quyền trả lời rõ ràng. Có những vấn đề sau khi nộp hồ sơ, công khai danh sách, sau khi Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 giới thiệu danh sách, thì người dân vẫn có quyền phản ánh, đề nghị làm rõ tư cách của người ứng cử. Trách nhiệm của Ủy ban Bầu cử các cấp cần trả lời rõ ràng và giải quyết các đơn thư liên quan đến người ứng cử đại biểu.

Phóng viên: So với nhiệm kỳ trước, quy trình nộp hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV có gì mới không, thưa ông?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Pháp luật đã quy định quyền của mỗi công dân từ 21 tuổi trở lên, nhận thấy có đủ tiêu chuẩn, xứng đáng làm đại biểu Quốc hội thì có quyền tự ứng cử. Theo quy định, người tự ứng cử cần nộp hồ sơ theo quy định, trước ngày 14/03/2021. Theo Điều 44 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Điều 1 của Nghị quyết 1186 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với người tự ứng cử vẫn phải thực hiện quyền công dân của mình và phải lấy ý kiến cử tri nơi cư trú  và nơi người đó công tác. Cụ thể: khoản 2 Điều 44 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nêu rõ: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có)”.

Phóng viên: Để các hoạt động bầu cử được tiến hành dân chủ, chặt chẽ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiến hành giám sát như thế nào, thưa ông?

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính chất giám sát nhân dân. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch giám sát theo từng đợt. Đợt 1 tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử, như việc thành lập các tổ phụ trách bầu cử có đúng thời gian, thành phần tham gia và hoạt động có đúng quy định; nội dung của Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, những nội dung cần rút kinh nghiệm để khắc phục tính hình thức, đảm bảo thật sự dân chủ, khách quan và phản ánh ý chí, nguyện vọng của các cơ quan, tổ chức và người dân… Qua hoạt động giám sát này sẽ rút bài học kinh nghiệm cho các bước tiếp theo của công tác bầu cử, đặc biệt là chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba (sau khi có danh sách sơ bộ được đưa ra) thì cần tổ chức thật tốt công tác lấy ý kiến nơi cư trú. Việc lấy ý kiến lần này là lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của người dân nơi người ứng cử cư trú. Thông qua hoạt động giám sát có thêm kênh thông tin của người dân, nếu có vấn đề chưa rõ cần được cơ quan có thẩm quyền trả lời, làm rõ.

Đợt giám sát thứ hai là sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba (tổ chức chậm nhất ngày 18/04). Trong thời gian đó sẽ tổ chức các hội nghị cử tri để các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử, tạo bình đẳng cho ứng cử viên. Trong hướng dẫn mới của đợt bầu cử này, sẽ khuyến khích ứng cử viên tăng cường tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Trong đo, ứng cử viên cần trình bày chương trình của mình, nếu trúng cử đại biểu sẽ thực hiện những kế hoạch nào theo chức trách, nhiệm vụ của đại biểu dân cử. Công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cũng cần được tổ chức chặt chẽ, dân chủ, và tăng cường hơn. Theo đó, đối với mỗi ứng cử viên đại biểu Quốc hội cần có ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri để trình bày chương trình hành động của mình. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tổ chức ít nhất 5 cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử để người ứng cử trình bày chương trình hành động nếu trúng cử. Như vậy, người ứng cử phải dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động vận động bầu cử.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hoidongbaucu.quochoi.vn