Ủy ban về các vấn đề Xã hội là cơ quan của Quốc hội phụ trách các lĩnh vực: lao động, việc làm và an sinh xã hội; y tế, dân số; người có công; bảo trợ xã hội; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; thi đua, khen thưởng; phòng, chống tệ nạn xã hội và các vấn đề xã hội khác. Ủy ban có chức năng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh; thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; giám sát, kiến nghị việc thực thi pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, Ủy ban là cơ quan Thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các hoạt động của Nhóm.
Bảo đảm chất lượng các dự án luật
Trong công tác xây dựng pháp luật, kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước và trên cơ sở định hướng công tác của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã được thông qua tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ nhất, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế theo tinh thần các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013. Các dự án luật, pháp lệnh do Ủy ban chủ trì thẩm tra, chỉnh lý hầu hết là các vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rộng, có tác động xã hội sâu sắc, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và Nhân dân.
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra 09 dự án luật, pháp lệnh; thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 56 dự án luật và tham gia thẩm tra 37 luật và 02 nghị quyết. Đáng lưu ý, chỉ riêng trong năm 2020, Ủy ban đã thực hiện chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý 4/6 dự án Luật của nhiệm kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Trong đó, nhiều chính sách mới trong một số dự án Luật còn có nhiều ý kiến khác nhau và Ủy ban đã thận trọng làm việc với các tổ chức có liên quan để đạt được đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, với quyết tâm cao, có dự án luật Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo đảm bảo chất lượng và tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua chỉ trong một Kỳ họp.
Trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, một số dự án luật được đánh giá rất khó và nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, cử tri cả nước, song với tinh thần làm việc trách nhiệm, Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ cùng Chính phủ, các cơ quan hữu quan lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện văn bản pháp luật bảo đảm chất lượng và nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội. Các luật, pháp lệnh được thông qua bước đầu đã phát huy tác động tích cực trong cuộc sống, được nhân dân đồng tình và ủng hộ. Cũng trên quan điểm khách quan, công tâm, vì lợi ích chung và tuân thủ đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chưa trình Quốc hội theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội đã thông qua đối với một số dự án Luật chưa bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, thực hiện quy định của Luật Bình đẳng giới, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với trên 50 dự án luật. Hoạt động thẩm tra này cùng với việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ hằng năm về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quan tâm hơn nhiều về việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, số lượng các văn bản được Ban soạn thảo chủ động tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tăng lên hằng năm. Nhiều văn bản luật đã thể hiện các quy định về thúc đẩy bình đẳng giới, nguyên tắc bình đẳng giới, chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ, trẻ em gái và đối tượng yếu thế. Điển hình như: Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã quy định rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu của lao động nữ so với lao động nam; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định riêng một điều về bình đẳng giới; Nghị quyết về lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã bổ sung tiêu chí về giới tính tại quy định về xây dựng lực lượng... Việc thẩm tra đã góp phần bảo đảm được quyền bình đẳng giữa nam và nữ về pháp luật trong các quy định của dự thảo luật, nghị quyết đã giúp việc hoàn thiện các dự thảo bảo đảm tính khách quan, toàn diện trước khi trình Quốc hội.
Phiên họp toàn thể Ủy ban
Công tác xây dựng pháp luật với trọng tâm là hoạt động thẩm tra các dự án luật do Ủy ban chủ trì, được thực hiện bằng nhiều giải pháp và thận trọng, thấu đáo, kỹ lưỡng; luôn nhất quán phương châm nắm chắc và quát triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, yêu cầu về xây dựng luật và đáp ứng kịp thời với tình hình mới. Việc tiếp tục chú trọng khảo sát nắm bắt thực tiễn, tổ chức lấy ý kiến các đối tượng liên quan và tham vấn chuyên gia được quan tâm đẩy mạnh. Đồng thời, phát huy chức năng, thẩm quyền, vai trò theo luật định, Ủy ban đã đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp thẩm tra, cho ý kiến đối với tất cả các dự án luật, pháp lệnh do Ủy ban chủ trì thẩm tra, vì vậy, các báo cáo thẩm tra luôn nhận được sự quan tâm nhiều chiều, thể hiện chính kiến toàn diện hơn của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, làm cơ sở chủ yếu cho việc thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, được đại biểu Quốc hội đánh giá có chất lượng và thông qua dự án luật với tỷ lệ tán thành cao.
Bài học kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật
Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện pháp luật, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đa rút ra các bài học kinh nghiệm.
Một là, việc đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thực tiễn đời sống nhân dân, năng lực điều hành và quản lý của bộ máy nhà nước. Cần ưu tiên đề xuất xây dựng luật đối với các vấn đề đã được nghiên cứu, phân tích chính sách một cách thấu đáo, xác định rõ nhu cầu, nguồn lực tài chính và mục tiêu điều chỉnh của luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tạo hành lang pháp lý ổn định hơn, tránh lãng phí về thời gian, công sức và tài chính.
Hai là, để giải quyết tốt và đồng bộ giữa tiến độ và chất lượng soạn thảo dự án luật đòi hỏi các chủ thể, các cơ quan có trách nhiệm trong quy trình lập pháp phải thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục và bảo đảm chất lượng nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động chính sách, đưa ra các phương án khác nhau với giải trình minh bạch, có cơ sở, thuyết phục về ưu điểm, hạn chế, chi phí - lợi ích theo từng phương án. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập, khách quan trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Nhất quán quan điểm lấy chất lượng làm đầu, thẳng thắn góp ý xây dựng, thể hiện thái độ, chính kiến rõ ràng đối với những nội dung chuẩn bị chưa đạt yêu cầu.
Ba là, để các quy định của luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và thẩm tra luật, đã đổi mới về cách thức, phương thức lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có trọng tâm, trọng điểm gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan theo từng vấn đề cụ thể trong dự án luật, pháp lệnh; huy động sự tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời, đánh giá thực tiễn đầy đủ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, của đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của dự luật để bảo đảm tính phản biện, khách quan. Tăng cường hơn nữa việc đa dạng các hình thức tham vấn công chúng, trong đó có các phiên giải trình để nghe cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan giải trình về những nội dung Ủy ban quan tâm. Đây là biện pháp cần thiết, hữu hiệu để mở rộng dân chủ trong hoạt động lập pháp.
Bốn là, để luật sau khi được ban hành có hiệu lực trực tiếp, khả thi trong cuộc sống, cần khắc phục tình trạng xây dựng luật khung; đồng thời các Ban soạn thảo phải thực hiện nghiêm túc việc gửi kèm dự thảo văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành có chất lượng ngay khi trình dự thảo luật.
Năm là, phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác giám sát, khảo sát và công tác xây dựng pháp luật. Kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để đề xuất, thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như để thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.
Hoàn thiện pháp luật chú trọng bảo đảm an sinh xã hội
Ủy ban về các vấn đề Xã hội xác định trong giai đoạn tới, công tác xây dựng pháp luật cần quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật. Đặc biệt chú trọng việc chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Ủy ban cũng cho rằng các dự án luật cần được quan tâm xây dựng, sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ tới gồm: Tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết thực hiện một số luật, bao gồm: Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm; Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Pháp lệnh Dân số, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và các quan hệ xã hội mới phát sinh, quan hệ xã hội đã phát sinh nhưng chưa có luật điều chỉnh (như chuyển đổi giới tính, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm…) để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các Luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội và tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng trong các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, lần thứ XIII và các nghị quyết liên quan.
Nghiên cứu sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nhằm giải quyết các hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục; đẩy mạnh phân cấp và bảo đảm khen thưởng kịp thời, chính xác công khai, minh bạch, góp phần cải cách hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng.
Nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Các vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung pháp luật: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bình đẳng giới, thể hiện đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013, trong đó cụ thể hóa một số chính sách về bình đẳng giới trong từng lĩnh vực, các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, quy định rõ hơn vai trò của các cơ quan có liên quan (Luật Bình đẳng giới).
Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, như: quy định tuổi kết hôn như nhau đối với cả nam và nữ; vấn đề chung sống giữa những người cùng giới tính, trong đó có mối quan hệ với việc thực hiện quy định chuyển đổi giới tính trong pháp luật dân sự (nếu có quy định); vấn đề ly thân; mở rộng đối tượng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nghiên cứu quy định giải quyết hậu quả đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại (nếu thực tế vẫn xảy ra); chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn...) và các vấn đề mới phát sinh (Luật Hôn nhân và gia đình).
Nghiên cứu sự thống nhất về xử lý đối tượng vi phạm tệ nạn mại dâm khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực; quy định về phòng ngừa, ứng phó với các hành vi bạo lực đối với người bán dâm; chính sách, mức hỗ trợ kinh phí, mô hình trợ giúp người bán dâm hoàn lương với các hoạt động hỗ trợ dịch vụ y tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp tâm lý, dạy nghề (Luật Phòng, chống mại dâm).
Tổng kết việc thực hiện một số luật đã triển khai, thực hiện hơn 10 năm, như: Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.