Ngày làm việc thứ 14, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai

09/11/2012

Hôm qua, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 14. Tại hội trường, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Thảo luận về chủ đề này, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với các nội dung phân tích, đánh giá đã được đề cập trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH. Theo đó, KNTC là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Ðảng đã xác định công tác giải quyết KNTC là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thời gian qua, các văn bản pháp luật được ban hành về cơ bản phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền KNTC của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai. Hơn nữa, đã cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức và người đứng đầu trong việc giải quyết KNTC.

Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về KNTC đã tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền KNTC của mình; đồng thời bảo đảm cho các vụ việc KNTC được xem xét, giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

KNTC trong lĩnh vực đất đai, thực trạng và nguyên nhân

Ðề cập tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai từ khi Luật Ðất đai năm 2003 có hiệu lực đến năm 2011, báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH đã nêu số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư KNTC, trong đó đơn thư KNTC liên quan đến đất đai bình quân hằng năm chiếm 69,79%. Riêng từ năm 2008 đến 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ KNTC đúng  và có đúng, có sai chiếm gần 48%. Cá biệt, có địa phương tỷ lệ này chiếm tới 70%. Qua đó cho thấy, việc KNTC của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều sai sót. Nếu không chỉ đạo giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực đối với niềm tin, tâm lý, hành động của một bộ phận cán bộ và nhân dân đối với chính quyền.

Các đại biểu: Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng); Trần Văn Tấn (Tiền Giang); Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc); Khúc Thị Duyền (Thái Bình); Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)... tập trung phân tích tình hình KNTC liên quan lĩnh vực đất đai, cũng như đánh giá chất lượng, hiệu quả, những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Theo một số đại biểu, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Ðất đai có các quy định không thống nhất trong việc giải quyết KNTC của công dân, chưa có hướng dẫn cụ thể về mối quan hệ trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp, thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính nhà nước và Tòa án nhân dân; giữa bộ quản lý chuyên ngành và Thanh tra Chính phủ. Thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính và cơ quan tòa án chưa cụ thể, chưa rõ ràng cho nên nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần nhưng vẫn không được tiếp nhận giải quyết.

Một số ý kiến cho rằng, các quy định của Luật Ðất đai vẫn còn nội dung chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng đất, chưa giải quyết hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Các đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nông Thị Bích Liên (Hà Giang), Dương Hoàng Hương (Phú Thọ)... nêu thực tế vừa qua, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp khiếu nại về đất đai còn nhiều điểm khác nhau giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về KNTC, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật của các cơ quan hành chính cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Mặt khác, cơ chế chuyển phần lớn việc giải quyết khiếu nại về địa phương không đáp ứng nguyện vọng của người có đơn khiếu nại, là nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.

Nhiều đại biểu cho rằng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết KNTC, tranh chấp về đất đai vừa yếu vừa thiếu. Thực tế có nơi còn tình trạng cán bộ, công chức có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân. Ðiều đó cũng còn thể hiện ở việc nhiều địa phương công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, để xảy ra vi phạm, lấn chiếm đất nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời, hoặc cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Cán bộ làm công tác bồi thường khi thu hồi đất có trường hợp cố tình sai sót để sách nhiễu, tiêu cực... Ðại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác đề nghị cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai và giải quyết KNTC am hiểu về pháp luật, có nghiệp vụ chuyên môn sâu, quan trọng là "có tâm, có tầm".

Theo số liệu báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, từ năm 2005 đến tháng 6-2009, cả nước có 3.829 đoàn KNTC đông người, năm 2010 có 3.214 đoàn, năm 2011 có 4.159 đoàn. Hơn  70% số vụ việc là khiếu nại, số còn lại là tố cáo hoặc vừa khiếu nại, vừa tố cáo. Ðây là vấn đề phức tạp, nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này, là do thực tế ở nhiều nơi, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư xin cấp đất để bao chiếm đất đai, mua bán dự án kiếm lợi bất chính. Về vấn đề này, đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) phản ánh, việc thu  hồi đất có nơi mang tính áp đặt, không tôn trọng nguồn gốc lịch sử, gây mâu thuẫn, việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho dân bị thu hồi đất không thỏa đáng. Do không được quan tâm đúng mức, đời sống của người dân có nơi lâm vào cảnh khó khăn, không ổn định. Ðất thu hồi không sử dụng đúng mục đích, thu hồi để làm dự án với giá rẻ, sau đó quay lại bán cho người dân với giá cao. Bỏ hoang hóa, lãng phí đất đai, trong khi đó người dân, nhất là người dân ở nông thôn không có đất sản xuất, canh tác...

Theo đại biểu, lợi dụng sự sơ hở của hệ thống văn bản pháp luật, một bộ phận không nhỏ cán bộ liên quan đến quản lý, giải quyết tranh chấp về đất đai tham nhũng, tiêu cực, có nhiều "đại gia" giàu lên về đất, giải quyết KNTC có nơi thiếu trách nhiệm dẫn đến khiếu kiện, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ.

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Nhiều đại biểu cho rằng, việc giải quyết hiệu quả và đạt kết quả cao trong thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai là vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm. Ðề nghị thời gian tới, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm đối với cá nhân và các cấp có thẩm quyền trong việc giải quyết KNTC của công dân, nhất là KNTC về đất đai. Ðặc biệt, cần xử lý thật nghiêm các cá nhân, tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết. Mặt khác, theo đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Cạn), cần chỉ đạo các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp tố cáo sai sự thật, vì trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ QH, có tới 54,2% tố cáo sai hoàn toàn nhưng chưa đề cập tới có bao nhiêu trường hợp đã được xử lý.

Một số ý kiến đề nghị, kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với các dự án triển khai chậm tiến độ hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, trong quy hoạch sử dụng đất cần dành quỹ đất cấp cho con em lớn lên ở nông thôn. Ðặc biệt, cần quan tâm những hộ nghèo, hộ cận nghèo. Một số đại biểu cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Ðiều 138 Luật Ðất đai năm 2003, vì mâu thuẫn với Luật Tố tụng hành chính hiện hành.

Nhiều đại biểu kiến nghị, thời gian tới, Quốc hội cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật thuộc cơ quan Chính phủ, từng bước khắc phục thiếu sót bất cập về cơ chế chính sách làm phát sinh KNTC trong lĩnh vực này. Trước hết, cần giám sát việc ban hành các nghị định của Chính phủ hướng dẫn về thi hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Tăng cường vai trò giám sát về trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KNTC của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, nhất là trong giải quyết các vụ KNTC đông người, phức tạp. Ðồng thời, phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND.

Các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét để hoàn chỉnh dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), coi đây là dự án luật rất quan trọng, điều chỉnh toàn bộ chính sách pháp luật về đất đai của xã hội. Do đó, Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ tổng kết kỹ, lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào dự án luật này.

Sửa đổi pháp luật về đất đai, khắc phục căn bản những mâu thuẫn, bất cập

Phát biểu ý kiến về những vấn đề các đại biểu QH quan tâm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang bày tỏ sự đồng tình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu QH đã phát biểu. Bộ trưởng cho rằng, các ý kiến đó rất sâu sắc, phân tích rõ nguyên nhân các yếu kém, hạn chế. Có những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, đất đai của chúng ta có những biến động lớn qua các thời kỳ lịch sử, đây là nguyên nhân khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ trưởng, đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý đất đai nhiều, dẫn đến quá trình tổ chức thực hiện gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do nhận thức pháp luật về đất đai của một bộ phận người sử dụng đất chưa được cập nhật. Bộ trưởng cũng cho biết, trách nhiệm của bộ là tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách; đôn đốc, theo dõi, thanh tra việc thực hiện các văn bản pháp luật và giải quyết tranh chấp về đất đai.

Về biện pháp khắc phục, Bộ trưởng đề nghị sửa đổi Luật Ðất đai và các văn bản pháp luật khác liên quan đất đai, như Bộ luật Dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính...; chấn chỉnh hiệu lực quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; nâng cao hiệu quả, hiệu lực giải quyết tranh chấp, khiếu nại ở các địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đến người dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan trách nhiệm của ngành thanh tra trong công tác giải quyết khiếu kiện về đất đai. Ðồng chí đánh giá rất cao báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH và cho rằng báo cáo rất sát tình hình thực tế hiện nay. Tổng Thanh tra cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10-2012, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức rà soát ở 53 tỉnh, thành phố đối với 528 vụ việc khiếu kiện về đất đai tồn đọng kéo dài. Trong số đó có 374 vụ việc bằng 72% đã giải quyết đúng nhưng vẫn còn  khiếu kiện tiếp. Ðồng chí đề nghị chấm dứt thụ lý những vụ việc này.

Sắp tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung các biện pháp để chấm dứt việc khiếu nại. Theo đó, tiếp tục thống nhất các biện pháp giải quyết giữa Trung ương và địa phương, tạo tiếng nói chung trong hệ thống chính trị, tổ chức đối thoại với người dân. Công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ðồng thời, quan tâm giải quyết những vụ việc phát sinh mới ngoài 528 vụ việc nêu trên.

Ðối với những vấn đề liên quan thẩm quyền giải quyết của ngành tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã tham gia giải trình với QH. Ðồng chí cho rằng, các ý kiến phát biểu rất sát tình hình khiếu nại về đất đai thời gian qua. Ðồng chí đã cho biết về những loại vụ việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của các tòa án. Ðồng thời, cũng đề cập vấn đề hòa giải liên quan đến đất đai ở cơ sở và thẩm quyền của tòa án trong việc hòa giải các vụ việc liên quan đất đai.

Ðối với những vụ án hành chính, liên quan quyết định hành chính của chính quyền địa phương, theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cũng còn một số vụ việc phải sửa. Có ý kiến cho rằng, do thẩm phán nể nang người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, do đó xét xử thiếu khách quan. Ðể khắc phục tình trạng này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để đề xuất tổ chức lại hệ thống tòa án không theo cấp hành chính mà tổ chức tòa án khu vực, nhằm bảo đảm tính khách quan, độc lập xét xử của tòa án.

* Mở đầu phiên họp buổi chiều, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng giới thiệu với QH, Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Cu-ba do đồng chí Hô-xê Ra-môn Ba-la-ghê, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Ðối ngoại T.Ư Ðảng Cộng sản Cu-ba làm trưởng đoàn sang dự Hội thảo lý luận lần thứ nhất giữa Ðảng CS Việt Nam và Ðảng CS Cu-ba đã đến dự phiên họp toàn thể này của QH Việt Nam.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)