Ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Ðất đai (sửa đổi)

07/11/2012

Ngày 6-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 13. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Ðất đai (sửa đổi).

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết

Thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ý kiến phát biểu đều tán thành việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Các ý kiến phát biểu tán thành việc dự thảo Hiến pháp làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Các đại biểu cũng tán thành việc tăng quyền cho một số định chế, đồng thời gắn với trách nhiệm của các định chế này trước Nhà nước và nhân dân.

Liên quan đến thể chế kinh tế, nhiều ý kiến phát biểu đồng tình với những quy định nhằm làm rõ hơn tính chất, quy mô của nền kinh tế. Theo đó, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, trong đó, kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về việc xác định kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo, do thời gian qua kinh tế nhà nước nhận được nhiều ưu đãi, nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Liên quan đến việc bổ sung một số quyền và nghĩa vụ mới của con người trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các đại biểu cho rằng, điều này là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng) cho rằng, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân còn mờ nhạt, chưa rõ ràng. Ðể người dân thật sự làm chủ, cần quy định rõ hơn về quyền bầu cử, ứng cử, trưng cầu ý dân và bổ sung thêm vào Hiến pháp quyền phúc quyết của nhân dân, điều này vốn đã được xác định tại Hiến pháp năm 1946.

Cùng với những nội dung nói trên, nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ nên đưa ra những quy định lớn, mang tính căn bản, xứng tầm của một bản Hiến pháp. Ðối với những vấn đề cụ thể, chi tiết, cần thể chế hóa thông qua các đạo luật chuyên ngành.

Ðối với dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều đại biểu cho rằng, cần tổ chức thực hiện hiệu quả, tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp, đồng thời có cơ chế tiếp thu các luồng ý kiến nhiều chiều để sửa đổi tốt hơn, kiên quyết loại bỏ những ý kiến không mang tính xây dựng. Ðại biểu Nguyễn Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, những ý kiến đóng góp dù được tiếp thu hay không cần được giải trình, làm rõ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, để khi dự thảo Hiến pháp được thông qua phải thể hiện được ý chí toàn dân tộc.

Bảo đảm quyền lợi người dân có đất bị thu hồi

Buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Ðất đai (sửa đổi), phần lớn các ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Ðất đai (sửa đổi), nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất thời gian qua.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bốn cấp như Luật Ðất đai hiện hành. Ðại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, không nên bỏ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, vì xã cũng có nhu cầu quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch của huyện, các xã sẽ quy hoạch để phát triển kinh tế địa phương. Ðại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Ðồng) cho rằng, việc quy hoạch cần công khai, minh bạch để người dân quản lý, giám sát, khắc phục tình trạng một số cán bộ biết trước quy hoạch để trục lợi, thay đổi mục đích sử dụng đất.

Về cơ chế thu hồi đất, phần lớn các ý kiến tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người có đất hợp pháp bị thu hồi được đền bù đúng với giá thị trường, được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống. Phần lớn số ý kiến tán thành việc quy định nâng mức hạn điền và tăng thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Vấn đề giá đất được các đại biểu tập trung thảo luận. Phần nhiều ý kiến cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu cho nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm  phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ðại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc xây dựng giá đất thống nhất một giá, sát với thị trường và ổn định trong thời gian từ ba đến năm năm, khi có biến động, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh giá đất này. Về giá đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi, nhiều ý kiến cho rằng, việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất. Ngoài giá đất bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Ðối với các trường hợp thu hồi đất do vi phạm, các đại biểu tán thành quy định thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; người bị thu hồi đất trong các trường hợp này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, đối với các trường hợp người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng có lý do khách quan, bất khả kháng như bị tác động trực tiếp bởi khủng hoảng kinh tế, thiên tai thì cần xem xét cân nhắc từng trường hợp cụ thể để bồi thường cho người sử dụng đất phần tài sản đã đầu tư trên đất.

Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, hiện có khoảng 70% số đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai. Nếu việc xây dựng luật bảo đảm được lợi ích của cả ba bên: Nhà nước, người có đất và nhà đầu tư thì tình trạng khiếu kiện sẽ giảm xuống.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)