ỦY BAN KINH TẾ KHÓA XIV: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ KINH TẾ

23/03/2021

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về chứng khoán, ngân hàng, tiền tệ, đầu tư, kinh doanh và quản lý kinh tế bảo đảm đúng định hướng, tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong nhiệm kỳ, Uỷ ban Kinh tế đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua 13 luật và 02 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có 05 luật ban hành mới, 08 luật sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, Ủy ban còn tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung và 01 nghị quyết giải thích luật.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng luật, pháp lệnh được giao, Uỷ ban Kinh tế đã xây dựng Kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm, phân công từng Tiểu ban, từng thành viên và nhóm giúp việc chủ trì theo dõi tiến độ, nội dung của các dự án luật, pháp lệnh ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng hoặc sửa đổi. Ủy ban tổ chức họp Thường trực Ủy ban mở rộng và họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Uỷ ban chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, cơ quan hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Kinh tế diễn ra theo hình thức trực tuyến

Nhằm nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội, các thành viên Ủy ban luôn chủ động, tích cực thu thập thông tin, tài liệu, nghiên cứu và phân tích các nội dung có liên quan; đồng thời, tổ chức các cuộc khảo sát thực tế, các hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của từng dự án luật, pháp lệnh, nghiên cứu tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập để kịp thời xem xét, thẩm tra thấu đáo các nội dung... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, cùng với quy trình chặt chẽ, thu thập thông tin, lấy ý kiến nhiều chiều. Từ đó, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban đã đề cập, phân tích và đánh giá toàn diện, khách quan, sâu sắc về nhiều vấn đề của dự án luật, pháp lệnh được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành, ủng hộ và đánh giá cao.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kinh tế đã để lại dấu ấn trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực phụ trách về chứng khoán, ngân hàng, tiền tệ, đầu tư, kinh doanh và quản lý kinh tế.

Trong đó, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành năm 2017 là một bước tiến trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, khắc phục những bất cập của quy định hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung, cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu với việc cho phép áp dụng nhiều chính sách mới so với pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, được ban hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng (TCTD), bước đầu khắc phục, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền quản trị, điều hành để phục vụ cho các lợi ích liên quan, nâng cao lòng tin của người gửi tiền và sự ổn định của hệ thống các TCTD như: tập trung quy định thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại tổ chức, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém; bổ sung trình tự, các biện pháp cảnh báo sớm đối với các rủi ro tiềm ẩn, can thiệp sớm để xử lý các vi phạm đến mức đặt vào kiểm soát đặc biệt; minh bạch hóa nguồn vốn góp, xử lý sở hữu chéo....

Luật Chứng khoán năm 2019 được ban hành là kết quả sửa đổi toàn diện, đưa ra quy định mới về điều kiện vốn điều lệ đối với tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng; tách biệt các điều kiện áp dụng cho chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ; quy định chỉ có một sở giao dịch chứng khoán duy nhất.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi)

Trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017 được ban hành với sự ghi nhận vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế, sự cần thiết của các biện pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước với các chủ thể kinh tế này, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong đợi. Thời điểm lúc bấy giờ, Trung ương đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 “về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”; sau đó, vào ngày 03/6/2017 tại Hội nghị lần năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp; sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước… được đánh giá sẽ có tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp. Luật Đầu tư năm 2020 sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư năm 2014 khi phân định rõ hơn phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng; sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi 06 luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo giữa các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh; cắt giảm còn 227 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện so với Danh mục 243 ngành, nghề theo Luật Đầu tư đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016... Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 là luật mới được ban hành nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các hoạt động PPP, là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tháo gỡ trực tiếp những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn, kế thừa những quy định tốt đang triển khai, kiến tạo những cơ chế, chính sách mới, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP, bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án.

Trong hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, nổi bật là Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội xem xét, thông qua tại 03 kỳ họp, là luật khung tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch, là bước đổi mới toàn diện, mạnh mẽ về nội dung, phương pháp lập quy hoạch gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh theo hướng Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu để kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. Để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện các quy hoạch và góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh, Quốc hội cũng đã thông qua Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch theo quy trình tại một kỳ họp; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; các luật, Pháp lệnh này đều có hiệu lực thi hành đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019. Do Luật Quy hoạch quy định nhiều nội dung mới, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch đã được ban hành nhằm bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng một số quy định của Luật, cho phép việc triển khai lập quy hoạch được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đã chủ trì thẩm tra các Luật Đấu giá tài sản năm 2016,  Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Luật Cạnh tranh năm 2018 và tham gia ý kiến thẩm tra đối với các dự án luật, nghị quyết do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra.

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Kinh tế đã luôn chú trọng đổi mới phương thức làm việc theo tinh thần Nghị quyết số 27/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, qua đó các nhiệm vụ của Ủy ban được triển khai, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả. Các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Uỷ ban chủ trì thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện đều bảo đảm thể chế hóa tối đa, đúng, đầy đủ, kịp thời, công khai các chủ trương, chính sách của Đảng, bám sát yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Bảo Yến