Các đại biểu nghe trình bày Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV (2016- 2021) của Ủy ban Tư pháp
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), lãnh đạo Quốc hội; sự phối hợp, hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm mục tiêu của cải cách tư pháp ở nước ta là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Với chức năng là cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả các mặt công tác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, thực hiện tốt chế độ làm việc tập thể, đoàn kết, phát huy dân chủ, tổ chức công việc kịp thời, linh hoạt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ công việc, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; cá nhân từng đồng chí thành viên Ủy ban đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện được bản lĩnh công tác, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của Ủy ban Tư pháp trong nhiệm kỳ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội. Bằng hoạt động thực tiễn, Ủy ban Tư pháp đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của mình trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước.
Về công tác xây dựng pháp luật
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì thẩm tra và chỉnh lý, hoàn thiện 06 dự án luật, 04 nghị quyết bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Nghị quyết số 75/2019/QH14 bổ sung một số điều vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, Nghị quyết số 113/2020/QH14 của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu. Nhiều dự án luật, nghị quyết nêu trên là những dự án lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, quy định các vấn đề quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp còn tham gia thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh do các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra, góp phần bảo đảm chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh được trình thông qua.
Về hoạt động thẩm tra các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp
Thực hiện quy định của pháp luật, hàng năm Ủy ban Tư pháp tổ chức các phiên họp toàn thể thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân... trình Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thuộc lĩnh vực do Ủy ban phụ trách. Để phục vụ cho hoạt động này, Ủy ban Tư phápđã tổ chức nhiều đoàn giám sát, khảo sát, thu thập thông tin qua ý kiến, kiến nghị cử tri, điều tra xã hội học, phản ánh báo chí... Do đó, Báo cáo thẩm tra đã phản ánh, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về chất lượng và hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng; việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp; đã phát hiện những hạn chế, tồn tại, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị đối với Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giải trình
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức giám sát 02 chuyên đề về “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân” và “Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”. Qua giám sát, Ủy ban Tư pháp đã làm rõ những bất cập, vướng mắc của hệ thống pháp luật và việc thực hiện pháp luật để có các kiến nghị giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, theo sự phân công của UBTVQH, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
- Ủy ban Tư pháp đã tổ chức 03 được phiên giải trình về các nội dung “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”, “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017”, “Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới”. Đây là những vấn đề nóng, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm. Qua hoạt động giải trình đã tăng cường hơn ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống mua bán người và trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát một số vụ án cụ thể
Đơn thư gửi về Ủy ban Tư pháp chủ yếu là khiếu nại và đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; tố cáo vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp hoặc tham nhũng. Ủy ban Tư pháp đã xem xét và có công văn chuyển nhiều đơn đến các cơ quan hữu quan để yêu cầu giải quyết theo thẩm quyền và cũng đã nhận được nhiều văn bản trả lời của các cơ quan hữu quan.
Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Ủy ban Tư pháp đã chủ động tổ chức rà soát và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của TANDTC, VKSNDTC, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ... thuộc lĩnh vực của Ủy ban phụ trách. Kết quả giám sát đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, theo đó, nhiều văn bản ban hành chậm gây khó khăn cho các cơ quan áp dụng và thực thi pháp luật; một số quy định có nội dung chưa phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật, có trường hợp chưa đúng thẩm quyền ban hành; một số quy định thiếu khả thi, không thể thực hiện được trên thực tế hoặc gây vướng mắc cần phải sửa đổi...
Về tham mưu cho Quốc hội, UBTVQH quyết định các vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp
Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành thẩm tra 18 Tờ trình, Đề án về tổ chức bộ máy và công tác nhân sự đối với các cơ quan tư pháp như việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tại một số địa phương; biên chế của ngành Tòa án; về điều chỉnh, bổ sung số lượng Thẩm phán sơ cấp và về biên chế, số lượng thẩm phán của Tòa án quân sự các cấp; bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, thành viên Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC... Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành họp phiên toàn thể hoặc Thường trực mở rộng để tiến hành thẩm tra. Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban là cơ sở quan trọng giúp Quốc hội, UBTVQH thảo luận, quyết định về từng nội dung bảo đảm khách quan, minh bạch, toàn diện.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động của Ủy ban Tư pháp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Việc tham gia hoạt động của một số thành viên Ủy ban còn chưa thường xuyên, đầy đủ, nhất là các phiên họp thẩm tra và giám sát theo Đoàn tại địa phương; công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát chưa được tiến hành sát sao, thường xuyên. Vẫn còn trường hợp chưa thực sự đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong một số văn bản pháp luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra; công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, giám sát việc giải quyết các vụ án cụ thể tuy đã có nhiều cố gắng song chưa được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn có trường hợp các cơ quan hữu quan chưa tuân thủ đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng một số văn bản trình Quốc hội còn hạn chế; nhiều báo cáo đánh giá tác động còn hình thức, chủ yếu mang tính định tính, thiếu căn cứ; việc gửi tài liệu để phục vụ hoạt động thẩm tra, giám sát có lúc còn chậm; trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong xử lý các kiến nghị sau giám sát trong một số trường hợp còn chưa kịp thời... Tất cả những nguyên nhân nêu trên đã gây khó khăn và làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động thẩm tra, giám sát của Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Bài học kinh nghiệm
Trên cơ sở tổng kết hoạt động, đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức, hoạt động của nhiệm kỳ qua, Uỷ ban Tư pháp rút ra một số bài học kinh nghiệm
Một là, Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của Ủy ban Tư pháp . Nắm vững, quán triệt, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những định hướng đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp, phòng, chống tham nhũng; tôn trọng thực tiễn khách quan, kiên quyết bảo vệ các quan điểm đúng đắn, khách quan, vì lợi ích chung.
Hai là, Bảo đảm tính Nhân dân, tính dân chủ trong hoạt động lập pháp, giám sát, tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với vai trò là cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật để tham mưu việc ban hành, sửa đổi hoặc bổ sung kịp thời những quy định của pháp luật. Văn bản luật phải thể hiện ý chí, lợi ích của Nhân dân, bảo đảm kết hợp và cân bằng một cách hài hòa giữa lợi ích của các tầng lớp Nhân dân vì sự phát triển của cả cộng đồng, của cả xã hội.
Ba là, Bảo đảm phát huy dân chủ, không ngừng giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất nội bộ; thực hiện nghiêm chế độ làm việc tập thể, bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, khách quan; phát huy tinh thần xây dựng, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban, Vụ Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, Kết hợp chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác giám sát, khảo sát, giữa hoạt động giám sát chung với hoạt động giám sát chuyên đề, giám sát các vụ, việc cụ thể; bảo đảm sâu sát với hoạt động thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng và kiến thức chuyên môn sâu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ với phương châm đúng vai, thuộc việc.
Năm là, Coi trọng và tăng cường mối quan hệ phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tôn trọng và lắng nghe, chia sẻ ý kiến trong từng công việc giữa Ủy ban với các cơ quan, các bộ, ngành hữu quan để tổ chức triển khai công việc theo đúng kế hoạch đề ra và đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát để hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy các cơ quan tư pháp; tăng cường đồng bộ các phương thức, hình thức giám sát, tính công khai trong hoạt động giám sát; kiện toàn về tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban theo hướng chuyên sâu trong hoạt động; tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan giúp việc, tăng cường đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng; bảo đảm về kinh phí, cơ sở vật chất, thực hiện phân bổ kinh phí trên cơ sở nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế của Hội đồng Dân tộc và từng Ủy ban; có cơ chế kinh phí thỏa đáng, phù hợp để sử dụng chuyên gia, các nhà khoa học, cộng tác viên.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Tư pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên cơ sở kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được của Ủy ban Tư pháp các nhiệm kỳ trước, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong quá trình hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình./.