Ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Tập trung đấu tranh các loại tội phạm

02/11/2012

Ngày 1-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 10. Các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSND), của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao; về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012.

Chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện sớm các loại tội phạm

Thảo luận về những nội dung nói trên, hầu hết các ý kiến phát biểu đánh giá  cao nỗ lực của các ngành chức năng trong việc phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm thời gian qua, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nêu ra những bất cập, yếu kém hiện nay trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý các loại tội phạm. Các đại biểu Ðặng Công Lý (Bình Ðịnh), Phạm Trường Dân (Quảng Nam), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, mặc dù các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều loại tội phạm mới, những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng không có dấu hiệu giảm. Việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế và lúng túng, phần lớn những vụ việc chỉ bị phát hiện, xử lý khi đã gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều đại biểu đề nghị, các ngành chức năng cần tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện sớm các loại tội phạm; mở các chiến dịch cao điểm tiến công, trấn áp tất cả các loại tội phạm, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, góp phần tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân.

Ðề cập tình hình tội phạm trong giới trẻ, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay tình trạng trẻ hóa tội phạm đang có dấu hiệu gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội. Số lượng các vụ án do giới trẻ gây ra chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các vụ án. Các đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, cùng với các ngành chức năng rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trong giới trẻ, trong đó đề cao vai trò của gia đình, nhà trường. Liên quan công tác phòng, chống tội phạm, đại biểu Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) cho rằng, hiện nay tội phạm về môi trường  diễn biến rất phức tạp, nhưng việc phát hiện, xử lý còn rất hạn chế, nhất là việc phát hiện xử lý các loại tội phạm trong khai thác khóang sản, gây ô nhiễm môi trường. Ðại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu thực trạng, hiện nay tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em có dấu hiệu gia tăng với tính chất rất phức tạp, tuy nhiên chế tài xử lý đối với các loại tội phạm này hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tới. Trong đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mở các đợt tiến công, trấn áp tội phạm, các cấp có thẩm quyền cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm bịt những kẽ hở trong các quy định của pháp luật có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.

Ðề cập công tác của các ngành Tòa án và Kiểm sát, nhiều ý kiến phát biểu ghi nhận những thành tích hai ngành này đạt được thời gian qua, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng án bị hủy, bị sửa còn xảy ra, nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, nhưng vẫn cho bị cáo hưởng án treo, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Ðây là những hạn chế hai ngành Toà án, Kiểm sát cần nhanh chóng khắc phục.

Huy động sức mạnh toàn xã hội vào công tác phòng, chống tham nhũng

Thảo luận về công tác PCTN, hầu hết các ý kiến phát biểu cho rằng, thời gian qua công tác PCTN tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn chung chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Ðại biểu  Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, số lượng vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng qua từng năm, nhưng những vụ tham nhũng bị phát hiện chỉ phản ánh một phần nhỏ thực trạng tham nhũng hiện nay.

Nhiều đại biểu cho rằng, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn, gây bất bình, bức xúc trong xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo có biểu hiện chưa nghiêm minh.

Ðề cập các biện pháp đấu tranh PCTN thời gian tới, nhiều đại biểu đề nghị, các ngành chức năng cần đưa ra biện pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả, xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm tham nhũng, lấy lại lòng tin của nhân dân. Các đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, muốn ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, cần có cơ chế để  huy động sức mạnh toàn xã hội vào công tác PCTN. Trước mắt, đối với những vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện, cần khẩn trương điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Ðối với những vụ tham nhũng lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, QH có thể xem xét thành lập Ủy ban lâm thời để chỉ đạo điều tra, xử lý.

Nhiều đại biểu nêu lên thực tế, công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã được triển khai trên diện rộng và được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện dấu hiệu tham nhũng, nhưng công tác này thời gian qua còn biểu hiện hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng hạn chế, hiệu quả thấp. Ðại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị, các ngành chức năng cần đưa ra quy định hữu hiệu nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và có chế tài đủ sức răn đe đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã nhận thấy những bất cập hiện nay trong công tác phòng, chống tội phạm và sẽ có giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới, với mục tiêu kiên quyết tiến công các loại tội phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Về công tác đấu tranh PCTN, Phó Thủ tướng cho biết, cùng với các biện pháp quyết liệt, giải quyết dứt điểm, nghiêm minh những vụ án tham nhũng đã phát hiện, các ngành chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN, bịt những kẽ hở của pháp luật dễ dẫn đến tham nhũng, nhất là các lĩnh vực như ngân hàng, đất đai. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác PCTN cần phải thực hiện kiên trì, kiên quyết, liên tục và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Liên quan đến công tác PCTN, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến cho rằng, QH nên nghiên cứu  thành lập cơ quan điều tra độc lập trực thuộc QH và có biện pháp đặc biệt với những đối tượng tham nhũng.

Ðề cập công tác xét xử, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, thời gian tới, ngành Tòa án sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất việc hủy bản án, sửa bản án. Ðối với việc áp dụng án treo, nhất là án treo liên quan đến tội phạm tham nhũng như một số đại biểu nêu, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, tỷ lệ áp dụng án treo thời gian qua đã giảm nhiều qua từng năm. Tuy nhiên, vấn đề không phải là áp dụng án treo nhiều hay ít mà quan trọng là áp dụng có đúng pháp luật hay không.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)