Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi)

26/10/2012

Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý đồng thời tập trung cho ý kiến về: Bản chất của hợp tác xã; tổ chức liên minh hợp tác xã; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; quyền của hợp tác xã được thành lập công ty; phân phối thu nhập của hợp tác xã...

Thể hiện rõ hơn bản chất của hợp tác xã

Đề cập bản chất của hợp tác xã, đa số ý kiến đại biểu tán thành với định nghĩa hợp tác xã như tiếp thu, chỉnh sửa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khoản 1 Điều 4 : hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, đồng sở hữu, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã theo quy định của Luật này.

Cho rằng, quy định này đã thể hiện rõ hơn bản chất của hợp tác xã, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nhấn mạnh: Xét về mục tiêu, quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối, hợp tác xã không phải là doanh nghiệp mà là một tổ chức tập thể được lập ra để giúp đỡ lẫn nhau, để phục vụ và hỗ trợ các thành viên, thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, văn hóa xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Do đó, không thể coi hợp tác xã là một doanh nghiệp, có tư cách như một doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn bản chất hợp tác xã khác với doanh nghiệp về mục đích hoạt động, mối tương quan với thị trường, với những đặc điểm khác nhau thể hiện trong 4 quan hệ cơ bản: Sở hữu, kinh tế, phân phối và quản lý. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), hợp tác xã được thành lập ngoài đáp ứng yêu cầu kinh tế còn đáp ứng yêu cầu văn hóa xã hội của xã viên và cộng đồng. Với cách tiếp cận này, hợp tác xã khác biệt so với doanh nghiệp ở tính chính trị, tính xã hội cao hơn...

Đại biểu khẳng định, qua từng thời kỳ, chặng đường phát triển của hợp tác xã có những thăng trầm nhưng phát triển hợp tác xã vẫn là tất yếu khách quan, có ý nghĩa kinh tế xã hội văn hóa lớn; đòi hỏi rõ hơn sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội đối với sự phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; trong đó, cần hết sức quan tâm đến nhóm đối tượng là xã viên hợp tác xã, nhất là ở khu vực sản xuất dịch vụ nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng, cần xác định mục đích hoạt động của hợp tác xã là đem lại lợi ích cho các thành viên còn mục đích của doanh nghiệp là nhằm hướng tới lợi nhuận, do đó không thể đồng nhất. Nếu quy định hợp tác xã như một loại hình doanh nghiệp, vô hình chung, quy định tổ chức này là một tổ chức lưỡng tính, cùng một lúc phải chịu sự điều chỉnh đồng thời của hai Luật: Luật hợp tác xã và Luật doanh nghiệp, gây nên sự phức tạp, chồng chéo và dễ bị lợi dụng. Thực tế đã không có ít doanh nghiệp lợi dụng "khoác áo" hợp tác xã để khai thác chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị cần xác định hợp tác xã mang chức năng kép là chức năng kinh tế xã hội, trong đó chức năng kinh tế đóng vai trò tạo động lực phát triển, chức năng xã hội đóng vai trò tạo sức liên kết, hợp tác giữa các xã viên trong việc phát triển. Theo đại biểu, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) xác định hợp tác xã là 1 loại hình doanh nghiệp, do đó dự thảo cũng phải xác định hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. hợp tác xã phải mang tính hiện đại, quy mô sản xuất ngày càng lớn, năng suất lao động ngày càng cao, từ đó sản phẩm, dịch vụ tạo ra của hợp tác xã lớn hơn nhiều so với nhu cầu của xã viên. Nếu hạn chế hợp tác xã cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, khống chế việc phân phối lợi nhuận như quy định trong dự thảo thì hợp tác xã không thể phát triển được, chỉ phù hợp với hợp tác xã nhỏ, kinh doanh trong phạm vi địa bàn nhỏ, không kích thích được các hợp tác xã lớn phát triển.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh hai tính chất quan trọng, hai mặt không thể tách rời của hợp tác xã là tính chất kinh tế và tính chất xã hội, không thể xem nhẹ hay coi trọng mặt nào hơn mặt nào. Trong đó, mặt xã hội là mục tiêu, thể hiện hợp tác xã mang tính chất cộng đồng, là cơ sở, nền tảng quyết định mọi hoạt động của hợp tác xã. Mặt kinh tế là hình thức, phương tiện để hợp tác xã thực hiện mục tiêu xã hội. Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu rõ được tính chất kinh tế của hợp tác xã.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, cần khẳng định bản chất của hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tập thể. Luật phải làm rõ đặc điểm thành phần kinh tế tập thể hợp tác xã, điểm khác so với những bộ phận khác của chế độ sở hữu tập thể như công ty cổ phần.

Hỗ trợ đến mức tối đa

Đề cập chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nhiều đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của hợp tác xã vẫn là tiếp cận nguồn vốn, nhất là hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp do vốn góp của thành viên hợp tác xã mà đa số là nông dân, ngư dân là không đáng; huy động vốn cũng không dễ dàng. Phần đông các hợp tác xã này không vay được vốn của ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp. Do đó, cần bổ sung, quy định cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 7 điểm d với nội dung quy định chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, điều kiện, thời hạn vay vốn đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện để các đối tượng này dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất và thời gian vay ưu đãi. Đồng thời, quy định này cũng phù hợp và được xem như luật hóa nội dung chính sách tín dụng được nêu tại Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.

Đại biểu Danh Út (Tiền Giang) cho rằng phát triển hợp tác xã không những có ý nghĩa quan trọng về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về xã hội. hợp tác xã là tổ chức kinh tế đồng thời cũng là tổ chức xã hội, tập hợp người lao động, các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ. Đây là lực lượng xã hội to lớn nhưng phần lớn họ là nông dân, người nghèo, những người hạn chế vốn, kỹ thuật, công nghệ… Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã nhiều hơn các loại doanh nghiệp khác. Đại biểu tán thành việc Luật hợp tác xã sửa đổi có những quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh), quy định như trong dự thảo còn chung chung về cơ chế, chính sách, nhất là về chính sách đất đai, chính sách thuế… Theo đại biểu, cần luật hóa những nội dung quy định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) vào dự thảo Luật này. Đặc biệt, đối với lĩnh vực ngư nghiệp, đánh bắt hải sản xa bờ, hiện nay vừa là vấn đề phát triển kinh tế biển vừa là vấn đề chủ quyền biển đảo, do đó, dự thảo cần bổ sung quy định hỗ trợ về phương tiện, công nghệ, kỹ thuật cho ngành đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất ban đầu để tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển; quy định rõ chính sách hỗ trợ về nhân lực cho hợp tác xã, trong đó cần có cơ chế nhà nước đào tạo, tăng cường cán bộ có năng lực.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) kiến nghị, Luật nên cụ thể hóa chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ về nhà kho, trụ sở, cửa hàng… Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) đề xuất nên có chính sách miễn giảm thuế đối với những sản phẩm dịch vụ mà hợp tác xã cung cấp trực tiếp cho xã viên; mở rộng phạm vi ưu đãi về thuế, không chỉ thuế riêng thu nhập doanh nghiệp. Đại biểu cũng đồng tình bổ sung ưu đãi về chính sách tín dụng đối với các hợp tác xã nông nghiệp và chính sách tiêu thụ sản phẩm bởi khó khăn lớn nhất của hợp tác xã nông nghiệp là khả năng tiếp cận vốn tín dụng và điều kiện hoạt động, phát triển.

Theo chương trình, sáng 26/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe trình bày: Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án: Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật Thủ đô; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012./.

 

 

Thanh Hòa (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)