Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2005, qua thực tiễn triển khai thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: thiếu quy định về công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực quản lý quan trọng hoặc chưa rõ về nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch. Công tác kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được triển khai trên diện rộng nhưng còn mang tính hình thức, chưa kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khó thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều chủ trương quan trọng của Đảng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Khóa X, Kết luận Trung ương 5 Khóa XI chưa được thể chế hóa trong Luật như: việc từng bước mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả các đảng viên; giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm... Hiện một số quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng chưa phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên như: vấn đề bảo vệ người tố cáo; nâng cao tính độc lập trong hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; có biện pháp hiệu quả nhằm khuyến khích sự tham gia của công chúng vào phòng, chống tham nhũng; có cơ sở pháp lý tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu nhất trí cho rằng việc QH xem xét sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới là cần thiết. Tuy nhiên, Luật cần phải được bàn thảo, sửa đổi một cách thấu đáo để đáp ứng được yêu cầu về nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu tổng quan về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và phạm vi sửa đổi của dự án luật; tình hình Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đối tượng phải kê khai tài sản; lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi...