Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị trình QH dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết của QH về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi); cho ý kiến về Tờ trình QH về Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn. Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật Việc làm, Luật Ðầu tư công, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"; một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án: Luật Thủ đô, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực. Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Cùng với các vấn đề nêu trên, ba nội dung quan trọng sẽ được Ủy ban TVQH cho ý kiến trong phiên họp gồm: Các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013; Báo cáo công tác năm 2012 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2012; Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015.
Sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật Việc làm. Phần lớn ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Việc làm, tuy nhiên, còn ý kiến trái ngược nhau về một số nội dung quy định trong dự thảo luật. Về đối tượng, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến tán thành việc áp dụng đối với tất cả các nhóm lao động bao gồm: lao động chính thức và phi chính thức, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần thu hẹp đối tượng áp dụng theo hướng tập trung vào điều chỉnh việc làm của nhóm lao động chính thức và nhóm lao động phi chính thức trong nước. Còn nhóm lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nhóm lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã quy định trong Bộ luật Lao động và nhóm này nếu đưa vào dự án Luật Việc làm cũng không phù hợp.
Ðối với bảo hiểm việc làm, nhiều đại biểu đồng tình với quy định chính sách bảo hiểm việc làm thay cho bảo hiểm thất nghiệp với mục tiêu mở rộng hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thể hiện sự tiến bộ, ưu việt hơn so với chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành và quy định trong Luật Việc làm để tạo sự kết nối trong mục tiêu và quá trình hướng tới việc làm bền vững. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên đưa quy định này vào dự thảo luật mà chỉ cần bổ sung chính sách hỗ trợ duy trì việc làm trong Luật Bảo hiểm xã hội.
Ðề cập chính sách phát triển việc làm trong dự thảo luật, nhiều đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ cũng như sự tương tác, hỗ trợ, lồng ghép giữa các chính sách trong Chương trình quốc gia về việc làm, Chương trình việc làm công và Quỹ quốc gia về việc làm. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần làm rõ căn cứ, nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, lao động tự làm, chuyển dịch việc làm ở khu vực nông thôn, hỗ trợ việc làm cho nhóm lao động đặc thù cũng như cụ thể hóa các chính sách này.