Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật là biện pháp chiến lược để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo... Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc lồng ghép giới trong quá trình xây dựng dự án Luật Việc làm, dự án Luật Hòa giải ở cơ sở và dự án Luật Hộ tịch. Cụ thể, đối với dự án Luật Việc làm, các đại biểu cho rằng, quyền lợi pháp lý về lao động việc làm đối với nhóm nữ lao động ở khu vực phi chính thức và nông thôn hiện nay ít được bảo đảm. Cùng với đó là việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, khả năng thăng tiến trong công việc của lao động nữ trên thực tế còn hạn chế; cơ hội tiếp cận thông tin thị trường lao động, thông tin về việc làm của lao động nữ cũng thường gặp nhiều khó khăn hơn lao động nam; lao động nữ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương do việc làm bấp bênh, thu nhập thấp và chưa bảo đảm được cuộc sống.
Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, các đại biểu cho rằng, dự án Luật Việc làm cần có các biện pháp cụ thể để tăng cường khả năng tiếp cận cơ hội việc làm bình đẳng giữa lao động nam và nữ như xác lập nguyên tắc mọi lao động đều được bình đẳng về cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, cần có các chính sách thúc đẩy cơ hội việc làm cho nhóm lao động khó tìm kiếm việc làm như lao động nữ, lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động là người dân tộc thiểu số; có các chính sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Nhiều ý kiến nhấn mạnh: để bảo đảm bình đẳng thực sự về việc làm giữa lao động nữ và lao động nam thì thay vì các nguyên tắc mang tính định hướng chung, dự thảo Luật Việc làm cần quy định vấn đề lồng ghép giới thành những điều khoản cụ thể và phải có chế tài để thực hiện được các quy định này.