Chiều 19.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã họp phiên bế mạc.
Trước đó dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012.
UBTVQH cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày. Theo đó, trong năm 2012, ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của mọi tầng lớp nhân dân được nâng cao; ngân sách nhà nước từng bước được quản lý, sử dụng chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa làm nổi bật được những mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực; trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giải pháp khắc phục. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần bám sát hơn nữa những quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt nên có những so sánh về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 so với các năm trước, để làm rõ hơn tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ hơn những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó phân tích những nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong công tác này.
Liên quan đến nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị Báo cáo của Chính phủ nên bổ sung các đánh giá về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của người dân; những nguyên nhân khách quan tác động tới công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ví dụ tình hình kinh tế thế giới có tác động như thế nào tới chi tiêu của Chính phủ và người dân. Báo cáo của Chính phủ cũng cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ đối với công tác quản lý, điều hành việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Điều 81 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp đó, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII.
Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Kỳ họp thứ Tư dự kiến sẽ làm việc trong 25 ngày, họp trù bị và khai mạc vào ngày 22.10, bế mạc vào ngày 23.11.2012. Trong bố trí dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ Tư có lưu ý hơn đến việc tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp một số nội dung quan trọng như: dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Đa số Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, QH khóa XIII. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị tăng số phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp đối với một số nội dung quan trọng như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Về thời gian diễn ra Kỳ họp, nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị tăng thời gian họp lên 1 – 2 ngày nhằm bảo đảm chất lượng việc xem xét các dự án Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới, số lượng các dự án Luật trình QH xem xét thông qua khá lớn, do vậy nên bổ sung thêm 1 ngày họp, để bố trí thêm thời gian thảo luận các dự án Luật, bảo đảm chất lượng công tác lập pháp của QH. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, các dự án Luật xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tư cần được bố trí thời gian thảo luận phù hợp hơn. Ví dụ dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), hay dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cần sắp xếp thời gian thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường một cách hợp lý hơn; không nên ghép 3 dự án Luật cùng thảo luận tại hội trường, hoặc tại tổ như dự kiến chương trình đề ra.
Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra phức tạp về tính chất cũng như mức độ thiệt hại, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, một nguyên nhân quan trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay là tình trạng suy thoái đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, khiến không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý. Vẫn còn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng để tác động đến các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý hành vi tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm toán còn hạn chế. Công tác tự kiểm tra, thanh tra tại các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa được đề cao đúng mức, có nơi còn buông lỏng. Chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với mỗi vị trí công tác chưa rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc, quyền lợi của người dân, doanh nghiệp... Ủy ban Tư pháp đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ những nguyên nhân nêu trên, để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, có hiệu quả.
Tán thành với đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc Phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, cần thay đổi phương thức xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng để tránh tình trạng báo cáo năm nào cũng na ná như nhau. Bởi có thể thấy, điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 là số lượng vụ án tham nhũng liên quan đến lĩnh vực tín dụng, tài chính tăng cao so với những năm trước. Ngoài ra, báo cáo mới phản ánh số lượng văn bản lớn được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành, chưa làm rõ những hiệu quả từ những văn bản này. Đặc biệt là chưa xác định được đâu là lỗ hổng của chính sách, pháp luật khiến tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn hiệu quả, còn diễn biến phức tạp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, cần xác định khâu đột phá trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của năm 2013 là quy trách nhiệm của người đứng đầu khi phát hiện tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị mình quản lý.
Bên cạnh đó, dù ghi nhận vai trò của các tổ chức xã hội và báo chí trong việc phát hiện những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, Báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện sai phạm. Ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được ưu tiên giải quyết công việc. Không đồng tình với nhận định này, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, không nên đổ lỗi tình trạng tham nhũng, tiêu cực cho người dân. Bởi nếu cán bộ, cơ quan hành chính không nhũng nhiễu, gây khó khăn khi tiến hành các dịch vụ công, thì chắc chắn người dân sẽ không thực hiện hành vi lót tay như phản ánh của Chính phủ. Các cơ quan chức năng cần nhìn rõ việc tiếp tay cho tham nhũng của một số cá nhân, doanh nghiệp có nguyên nhân từ đâu, để có giải pháp khắc phục hiệu quả.