Theo Báo cáo kết quả giám sát, từ năm 2003 đến năm 2010, trung bình hàng năm số đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai hàng năm chiếm gần 70%. Trong thời gian này, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài khiếu nại, tố cáo về đất đai, đạt 66,7%.
Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại tố cáo các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%). Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%. Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại tố cáo về đất đai có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức.
Thảo luận về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung của báo cáo. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp đề nghị Báo cáo cần làm rõ đối tượng, chủ thể giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, kết quả giám sát đã cho thấy, tình hình khiếu nại tố cáo về đất đai đang diễn ra rất nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực trong đời sống nhân dân. Kết quả này cũng đã phản ánh nhiều sai sót trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc thiếu vai trò của các bộ, ngành chức năng trong việc quản lý, giám sát các văn bản quản lý hành chính về đất đai ở địa phương cũng dẫn đến hiệu quả quá trình kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân ở cấp tỉnh, thành phố còn yếu kém, lơi lỏng. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này.
Ông Hiện cũng đề nghị Báo cáo cần làm rõ một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nạn tham nhũng về đất đai. Vấn đề định giá đất và bồi thường đất đai khi thu hồi chưa thỏa đáng cũng là nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, tố cáo.
Cũng đề cập đến nguyên nhân của các khiếu nại tố cáo về đất đai, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, chính việc ban hành giá đất tại các địa phương khác nhau; hay giải quyết việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất còn bất cập; việc đền bù đất của các cơ quan, doanh nghiệp không thống nhất, cũng góp phần làm nảy sinh khiếu kiện của người dân.
Ông Phúc cho rằng, hiện nay người dân rất ít đến Tòa hành chính để khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước bởi năng lực của các thẩm phán về vấn đề này chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều vụ đã xét xử nhưng không thi hành án được. Ông Phúc đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có chương trình giám sát, kiểm tra thực tế đời sống người dân sau thu hồi đất để hoàn thiện chính sách về lĩnh vực này.
Đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong quản lý hành chính Nhà nước về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, cơ quan soạn thảo Báo cáo cần chỉ ra rõ cấp độ, phạm vi sai phạm và phải xác định rõ trách nhiệm của những người có hành vi sai phạm, và việc xử lý những cá nhân, tổ chức này./.