VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP LÀM RÕ VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

24/02/2021

Thực hiện Phiên họp thứ 53, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đã làm rõ hơn quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về Quy chế quản lý khoa học với đặc thù và yêu cầu về quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp; tiêu chí Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ.

Giải thích rõ hơn về dự thảo Nghị quyết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định: Quy trình xây dựng quy chế trong Tờ trình đã nêu rõ và trong thời gian qua, Viện đã lấy ý kiến của 4 bộ là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Hiện nay, có 3 Bộ đã gửi ý kiến về cho Viện là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính. Các ý kiến cơ bản là nhất trí với Tờ trình, còn một số nội dung có tính chất kỹ thuật có nêu thêm.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển trình bày về việc xây dựng dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Viện Nghiên cứu lập pháp đã gửi xin ý kiến các thành viên của Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội và đã nhận được 7 ý kiến của các đồng chí thành viên Ủy viên Thường vụ Quốc hội. Về cơ bản, các ý kiến nhất trí, Viện xin tiếp thu hết các ý kiến của các thành viên đã nêu. Về ý kiến của Ủy ban thẩm tra, Viện cơ bản tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban thẩm tra, sau phiên họp này sẽ chỉnh sửa, tiếp thu tối đa các ý kiến. Bên cạnh đó, Viện có một vài ý kiến giải trình làm rõ thêm.

Thứ nhất về quy định về trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào hoạt động khoa học, công nghệ bao gồm cơ quan chủ trì, cơ quan chủ quản, chủ nhiệm đề tài, các thành viên chính của đề tài. Hiện nay, Luật Khoa học công nghệ, Nghị định số 08 của Chính phủ năm 2014 và một loạt các thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định hết sức cụ thể về quy định này. Các văn bản về quy định này đã được ban hành từ năm 2000 và đến năm 2016. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, Viện áp dụng trực tiếp các Thông tư và Nghị định này, trong đó quy định rất rõ thế nào là cơ quan chủ trì, thế nào là cơ quan chủ quản. Trong đó cũng quy định việc xét các đề tài, đề xuất các đề tài, thẩm quyền quyết định các danh mục đề tài là thuộc Hội đồng khoa học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc đề xuất các nhiệm vụ nào được chấp nhận thì do các Hội đồng. Các Hội đồng được thành lập đúng theo quy định tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và những thành viên mà có lợi ích liên quan thì không được tham gia vào các Hội đồng này.

Với các cách như vậy, trong quá trình triển khai trên thực tế đã đảm bảo đầy đủ các quy định của Luật Khoa học và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tính chất của quy chế này là những quy định mang tính chất nội bộ, còn những gì là lớn thì đã quy định trong luật hiện hành và đặc biệt hoạt động khoa học, công nghệ này là hoạt động có tính chất khoa học. Do vậy, nội dung chính nằm trong hợp đồng khoa học, công nghệ giữa 3 bên là cơ quan quản lý, cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm đề tài. Hợp đồng là hợp đồng mẫu, cũng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và quy định hết sức chi tiết, trách nhiệm của các cơ quan. Do vậy, trong quy chế này không quy định lại những vấn đề đã được nêu trong các thông tư, nghị định mà chỉ quy định một số đặc thù thể hiện trong hoạt động quản lý của chúng ta.

Về việc Viện vừa là cơ quan quản lý, vừa là cơ quan chủ trì thì có khách quan hay không, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định: Quy định Viện là 1 cơ quan vừa làm quản lý và vừa chủ trì thì cũng không phải là vấn đề mới, mà hiện nay có 5 cơ quan quy định như mình. Cụ thể, theo Luật Khoa học và Công nghệ, cơ quan chủ trì phải là tổ chức khoa học, công nghệ. Vì thế, tổ chức khoa học công nghệ ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có 1 tổ chức khoa học công nghệ. Tương tự như vậy, ở Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng chỉ có một tổ chức khoa học công nghệ. Chính vì vậy, không thành lập thêm 1 cơ quan gọi là Vụ khoa học, công nghệ để quản lý tổ chức này. Thư viện vừa làm cơ quan chủ trì và vừa làm cơ quan quản lý và các quy định về cơ quan chủ trì, cơ quan quản lý đã quy định hết sức rõ ràng trong các thông tư, nghị định.

Trên thực tế, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng thực hiện nhiệm vụ trên. Trong thời gian vừa qua, rà soát thực tế, Viện cũng đưa vào trong quy chế để làm sao bảo đảm tính khách quan, tính minh bạch nhất. Đặc biệt là trong quá trình xét duyệt đề xuất cũng như là xét duyệt từng nhiệm vụ khoa học. Hầu hết các nhiệm vụ khoa học do Viện triển khai đều mời các nhà khoa học ở bên ngoài, không do các nhà khoa học ở trong Viện đứng ra nghiệm thu.


 Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, về tiêu chuẩn cá nhân làm chủ nhiệm đề tài. Theo Luật Khoa học và Công nghệ, luật quy định luật chung điều kiện tối thiểu là phải có cử nhân nhưng rất nhiều các chuyên ngành thì cử nhân có thể làm được. Đối với ngành Khoa học xã hội, đặc biệt là với ngành Luật, trên thực tế nếu chỉ quy định cử nhân, mà không có những giới hạn thì sẽ dẫn đến có nhiều trường hợp là một em vừa được tuyển vào đã làm chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Bộ nên không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, trên thực tế, hầu hết các cơ quan khoa học như Viện Nghiên cứu lập pháp đã tham khảo Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Các cơ quan này đều giới hạn nếu là cử nhân thì người đó phải kèm theo kinh nghiệm công tác bao nhiêu năm mới được làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ. Thường kinh nghiệm công tác từ 5-10 năm. Viện quy định đối với thạc sĩ là 8 năm, đối với cử nhân có thêm kinh nghiệm là 10 năm. Có như vậy mới có khả năng làm chủ nhiệm đề tài để góp ý cho các luận cứ khoa học đối với các dự án luật trình ra Quốc hội.

Các cơ quan của Chính phủ đã thực hiện rất kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tiếng nói phản biện khoa học nên yêu cầu đối với nhà khoa học rất cao. Do vậy, từ thực tế của Viện thấy rằng, thời gian vừa qua có nhiều trường hợp cử nhân, nhất là những người mới vào công tác không đảm bảo làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ. Điều này là một kẽ hở, làm cho chất lượng các đề tài không cao.

Về nguồn kinh phí, hiện nay có 2 loại nguồn. Thứ nhất là nguồn từ ngân sách nhà nước. Nguồn từ ngân sách nhà nước có ba loại. Một là, nguồn từ sự nghiệp khoa học; Hai là nguồn từ sự nghiệp môi trường; Ba là nguồn từ sự nghiệp kinh tế. Một nguồn nữa là nguồn của hợp tác quốc tế. Đối với các nguồn hợp tác quốc tế thì đã có nghị định thư, đã có một thông tư quy định những nguồn làm theo nghị định thư rất rõ. Trong hoạt động đối ngoại thì quy chế đối ngoại, các hoạt động đối ngoại cũng quy định rất rõ. Nếu chúng ta quy định vào dự thảo sẽ vênh do với hoạt động đối ngoại.

Đối với nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn sự nghiệp môi trường thì hiện nay chưa có quy định rõ. Do vậy, tham khảo các cơ quan liên quan, như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hay là Viện Hàn lâm khoa học đều quy định là quy trình xét duyệt tuyển chọn giống như đề tài. Viện Nghiên cứu lập pháp cũng quy định 2 nguồn này giống như đề tài. Tuy nhiên, trên thực tế thì Viện chưa làm hai nguồn này, mà lấy từ nguồn điều tra cơ bản và nguồn sự nghiệp môi trường. Đây là quy định để dự báo cho tương lai.

Đối với nguồn hợp tác liên doanh, liên kết với các nguồn ngoài ngân sách thì Luật Khoa học quy định rất rõ, nếu kinh phí tài trợ từ các cơ quan, tổ chức ngoài ngân sách thì thực hiện theo hợp đồng, tất nhiên là không vi phạm các điều cấm. Những tổ chức tham gia phải đủ điều kiện là tổ chức khoa học, việc này rất rõ. Đối với nguồn dùng ngân sách tài trợ cho hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết thì Nghị định 08 lại quy định rất rõ, trong đó trường hợp nào được tài trợ 30%, trường hợp nào 40%, trường hợp nào là 50% nghị định đã quy định rất rõ rồi. Do vậy, trong quy chế này, với tính chất nội bộ thì Viện không đưa những nội dung  này vào. Trên thực tế, những nguồnnhư vậy chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được và không có vướng gì.

Ngoài ra, các ý kiến về công khai, minh bạch sử dụng kết quả nghiên cứu, Viện đã nêu rất là rõ về việc tin học hóa hay sử dụng các phần mềm. Hiện nay, Viện đang ứng dụng các phần mềm, đang triển khai các phần mềm là quét việc trùng lắp. Nhưng rõ ràng phần mềm này đang trong quá trình thí điểm thì việc trùng lắp 20% hay 30% là hợp lý hay cao thì Viện đang phải chỉnh lại phần mềm. Trên thực tế, chúng ta làm như thế nào để nó ở mức chuẩn mực nhất thì chúng tôi mới đưa vào, vì đây là tác nghiệp quản lý. Viện cũng hoàn toàn có thể xử lý được, chưa cần phải đưa vào quy chế này.

Đối với việc xuất bản các ấn phẩm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh: Trên thực tế, chúng ta khuyến khích tất cả các đề tài công khai và xuất bản ấn phẩm. Chỗ này chỉ quy định chế tài, tức là trong trường hợp mà Hội đồng khoa học kết luận rằng ấn phẩm này cần phải được xuất bản nhanh do bảo vệ xuất sắc và nó phục vụ trực tiếp cho hoạt động Quốc hội thì đề nghị Chủ nhiệm phải xuất bản nhanh trong vòng thời hạn là 1 năm. Nếu mà không xuất bản nhanh thì nó không có tính thời sự và không phục vụ kịp thời cho Quốc hội chứ ở đây không có ý gì là ngăn cản trong việc chủ nhiệm đề tài xuất bản. Việc này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như là các luật liên quan./.

Bích Lan