Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Căn cứ Tờ trình số 24/TTr-VNCLP ngày 18/02/2021 của Viện Nghiên cứu lập pháp và hồ sơ gửi kèm theo, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghiên cứu và có một số ý kiến như sau:
Nhận xét chung
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao nỗ lực của Viện Nghiên cứu lập pháp trong nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 887/NQ-UBTVQH12 ngày 05/03/2010 củaỦy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.
Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, những nội dung đề xuất sửa đổi cho phù hợp với pháp luật hiện hành.
Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 887/NQ-UBTVQH12 với những lý do nêu trong Tờ trình của Viện Nghiên cứu lập pháp. Theo đó, về cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết và Quy chế tuy hồ sơ gửi chậm, chưa đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu kỹ lưỡng. Do đó, cần được nghiên cứu kỹ hơn, rà soát kỹ hơn, chỉnh lý thêm về kỹ thuật văn bản trên cơ sở quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và hoạt động đặc thù của các cơ quan của Quốc hội.
Một số vấn đề cụ thể của dự thảo Quy chế:
Về phạm vi điều chỉnh: Điều 1 dự thảo Quy chế quy định: “Quy chế này quy định việc quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ tại các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (sau đây gọi tắt là các cơ quan Quốc hội)”. Thường trực Uỷ ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng phạm vi điều chỉnh của Quy chế cần bám sát hơn, cụ thể hơn về quy trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở các cơ quan của Quốc hội.
Thường trực Uỷ ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy dự thảo Quy chế mới điều chỉnh đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và chưa rõ đối với hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng nguồn tài chính ngoài ngân sách hoặc nguồn tài chính khác được chuyển về các cơ quan của Quốc hội để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao.
Chủ thể thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Về tuyển chọn, xét tuyển giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần có quy định chặt chẽ hơn ngay từ đầu vào. Do đó, đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể hơn các nhóm tiêu chí để xây dựng kế hoạch sàng lọc, đánh giá, xếp loại, lựa chọn nhiệm vụ, chủ thể thực hiện bảo đảm phù hợp, hiệu quả, thiết thực; quy định rõ hơn điều kiện, nhiệm vụ nào thì giao trực tiếp, tránh tùy tiện. Việc đăng ký các nhiệm vụ nghiên cứu phải được quy định bảo đảm linh hoạt để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu phục vụ kịp thời các hoạt động của Quốc hội.
Dự thảo Quy chế có quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, đối với những đề tài/đề án do cá nhân, nhà khoa học trực thuộc các cơ quan này đăng ký và tổ chức thực hiện thì chưa được quy định rõ tại dự thảo Quy chế. Đề nghị Viện Nghiên cứu Lập pháp nghiên cứu làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đến đâu đối với các cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đồng thời, có quy định về chế tài đối với các thành viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong thực tế, hiện nay cơ chế phối hợp giữa Chủ nhiệm đề tài với các thành viên là rất khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ.
Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về tiêu chuẩn cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với dự thảo là cần quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn đối với cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ để nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, cân nhắc điều kiện về thời gian công tác tại cơ quan Quốc hội là 8 năm đối với Thạc sỹ, 10 năm đối với Cử nhân, trong khi quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ không có yêu cầu này. Việc quy định cứng nhắc chỉ có cá nhân có học vị Tiến sĩ trở lên mới đủ tiêu chuẩn làm Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở; chỉ người làm việc ở các cơ quan Quốc hội mới được chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là không nhất thiết. Quy định hạn chế giao Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với người nghỉ hưu là không phù hợp, như vậy không thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện, năng lực, trí tuệ tham gia nghiên cứu.
Về kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Dự thảo Quy chế chưa làm rõ vai trò của Viện Nghiên cứu lập pháp là “cơ quan chủ quản” hay là cơ quan“tổ chức chủ trì” các nội dung và kinh phí cho các chương trình, đề tài/dự án, cũng như cơ chế phối hợp giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Văn phòng Quốc hội là cơ quan có chức năng quản lý ngân sách khoa học và công nghệ (tại Điều 9 có nêu “Viện Nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức, quản lý các hoạt động khoa học...” nhưng bản thân Viện cũng là tổ chức làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời tổ chức chủ trì, như vậy chưa bảo đảm khách quan trong hoạt động khoa học và công nghệ).
Về Hội đồng khoa học: Dự thảo Quy chế chưa quy định thống nhất vai trò của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi Hội đồng là cơ quan ra quyết định, khi là giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi là cơ quan tư vấn cho Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. Do đó, đề nghị có quy định cụ thể hơn về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, thành phần, thẩm quyền quyết định thành lập Thường trực Hội đồng khoa học quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 9.
Về sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ: Cần có quy định công khai hóa việc trao đổi thông tin nghiên cứu giữa các cơ quan của Quốc hội với các bộ, cơ quan khác để tránh trùng lắp nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gây tốn kém, lãng phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý khoa học và công nghệ (như việc sử dụng phần mềm kiểm tra việc sao chép; đăng tải kết quả nghiên cứu nên trang web nội bộ...) để bảo đảm quản lý, kiểm tra chất lượng nghiên cứu.
Đề nghị xem xét Điều 37 về xuất bản nghiên cứu khoa học và công nghệ là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về xuất bản; khoản 2 Điều 38 về chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu vì sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào ứng dụng thực tiễn.
Về kỹ thuật văn bản và các nội dung khác
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, cho biết Dự thảo Quy chế (Điều 41) nêu 02 phương án. Phương án 1: Quy định các biểu mẫu thuộc phụ lục của dự thảo Quy chế. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng phương án này bảo đảm được nguyên tắc thống nhất trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, sẽ khó khăn khi cần phải sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu dù chỉ là mang tính kỹ thuật cũng phải thực hiện quy trình sửa đổi Nghị quyết.
Phương án 2: Giao Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng các biểu mẫu. Theo phương án này sẽ có tính linh hoạt cao hơn khi cần thay đổi trong thực hiện, bảo đảm thống nhất khi các quy định pháp luật về khoa học và công nghệ thay đổi. Theo đó, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị chọn Phương án 2.
Về tên của Chương III (tổ chức thực hiện), đề nghị cân nhắc cho phù hợp với nội hàm quy định tại Điều 15, 16, 17 của Quy chế. Đề nghị làm rõ các trường hợp đặc biệt tại điểm h Điều 17 của dự thảo Quy chế. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị cân nhắc thêm nội dung quy định các khoản 4, 5, 6, 8 tại Điều 3, Điều 31, 32 và các Điều quy định về hoạt động khoa học chung của dự thảo Quy chế, vì những nội dung này chưa sát với phạm vi điều chỉnh của Quy chế, trong khi các nhiệm vụ đặc thù khác như: đối ngoại, an ninh, quốc phòng... chưa được đề cập. Nghiên cứu giải thích rõ hơn khái niệm “tổ chức chủ trì” tại khoản 9 Điều 3; làm rõ quy định “người thân thích” tại khoản 3 Điều 12 dự thảo Quy chế.
Về thời gian cho ý kiến và ban hành Nghị quyết. Có 02 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là quy định nội bộ của các cơ quan Quốc hội, nhưng liên quan nhiều đến trình tự, thủ tục cụ thể trong quản lý và thực hiện nghiên cứu khoa học, nên được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua tại 02 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ý kiến thứ hai cho rằng, dự thảo Nghị quyết sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ phối hợp với các cơ quan tiếp tục tổ chức nghiên cứu tiếp thu để gửi văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Trong quá trình tiếp thu, dự thảo Nghị quyết cần gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội; các cơ quan liên quan của Quốc hội; tham khảo thêm quy chế hoạt động quản lý khoa học và công nghệ của một số bộ, viện nghiên cứu, cơ quan liên quan. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với phương án 2.
Trên đây là một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.