Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về Quy chế quản lý khoa học với đặc thù và yêu cầu về quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp; tiêu chí Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất với việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước và sự phối hợp giữa Viện Nghiên cứu lập pháp với các cơ quan khác vẫn còn song trùng nên cần xem xét, rà soát lại. Các thành viên Ủy Thường vụ Quốc hội khóa mới sẽ tổ chức thực hiện Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để thực sự hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp.
Thực tế, trong thời gian đầu, cơ chế quản lý, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp còn chưa rõ và đang trong quá trình dần phát triển nên chúng ta chưa thể cầu toàn như sự phát triển ở các Viện nghiên cứu lớn. Do đó, trong thời gian tới, Viện cần tăng cường bổ sung cán bộ nghiên cứu khoa học, đại biểu Quốc hội giỏi về làm việc, có kỹ năng, trình độ ngoại ngữ thông thạo để có thể dịch chuyên ngành tốt.
Về vấn đề trên, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho rằng cần tăng cường quản lý khoa học. Viện Nghiên cứu lập pháp ra đời với chức năng là nghiên cứu khoa học, luật pháp; giúp các cơ quan của Quốc hội thực hiện thẩm tra các luật. Tuy nhiên, kết quả thực hiện của Viện chưa đạt được nhiều. Hầu như các Ủy ban của Quốc hội chưa thể sử dụng nhiều những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp. Các nghiên cứu trong xây dựng pháp luật của Viện hầu như không có. Những nghiên cứu còn chưa sát với sự chuyển biến của việc xây dựng pháp luật. Vì vậy, Viện Nghiên cứu lập pháp cần có sự chuyển đổi nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tiễn.
Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cần có sự tách bạch giữa chức năng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp và quản lý Nhà nước. Trong khi Bộ Chính trị còn chưa có ý kiến về cơ cấu bên trong của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu rõ hơn để đưa ra quy chế phù hợp.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm không cần phải đợi ý kiến của Bộ Chính trị, việc quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội là thuộc chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Viện Nghiên cứu lập pháp vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như hiện tại và nhiệm vụ của Quốc hội là làm cho Viện hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả lên. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế hoạt động và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa này cần thực hiện để sao cho các thành viên Ủy ban khóa tới không bị lúng túng và giúp cho Quốc hội khóa XV thực hiện tốt hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.
Cho rằng cơ cấu bên trong của Quốc hội, các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội không có gì thay đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với việc ban hành quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Cơ cấu của đại biểu Quốc hội đã có nên nhiệm vụ của Quốc hội là rà soạt lại cấp Phó Thường trực chuyên trách và đẩy mạnh hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp để phục vụ cho hoạt động của Quốc hội.
Đồng thuận với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, cho rằng nên thông qua quy chế hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp trong nghiên cứu lập pháp và hoạt động của Quốc hội khoa học cũng như quản lý của Quốc hội.
Ý kiến khác nhau về tiêu chuẩn cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ
Liên quan đến tiêu chuẩn, chủ nhiệm đề tài về tiêu chuẩn cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế). So với Quy chế hiện hành, dự thảo Quy chế quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài. Trong đó, quy định rõ người đăng ký làm Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học cấp Bộ phải “Có học vị tiến sĩ trở lên; hoặc có học vị cao nhất là thạc sĩ và có thời gian công tác tại các cơ quan Quốc hội từ 8 năm trở lên; hoặc có học vị cao nhất là cử nhân và có thời gian công tác ở cơ quan Quốc hội từ 10 năm trở lên” (điểm a khoản 2 Điều 7 Dự thảo). Đóng góp về nội dung này, theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự thảo Nghị quyết đưa ra tiêu chí quá cao nên rất khó thực hiện. Vì vậy, nên để tiêu chí thực hiện theo phương án chỉ là Cử nhân có đủ điều kiện là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho ý kiến.
Đề cập vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu quan điểm: Quy chế này thực tế là thực hiện cụ thể hóa Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc những tiêu chí Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ liệu có quá khắt khe quá hay không? Thực tế, nhiệm kỳ của Quốc hội chỉ đến 5 năm nên nếu chúng ta đặt ra yêu cầu là người đăng ký làm Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học cấp Bộ phải “Có học vị tiến sĩ trở lên; hoặc có học vị cao nhất là thạc sĩ và có thời gian công tác tại các cơ quan Quốc hội từ 8 năm trở lên; hoặc có học vị cao nhất là cử nhân và có thời gian công tác ở cơ quan Quốc hội từ 10 năm trở lên thì lại dài hơn cả nhiệm kỳ Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, tiêu chí đưa ra không phải là chủ nhiệm đề tài phải có đủ bằng cấp mà là người đó có đủ sức để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lập pháp hay không. Có khi một Cử nhân có chuyên môn cao trong nghiên cứu khoa học có thể thực hiện tốt, chứ không phải là bằng cấp cao hơn. Ngoài ra, yêu cầu đặ ra nữa là Hội đồng thẩm định khoa học phải thực hiện đánh giá, thẩm định đề tài một cách chặt chẽ. Mặt khác, việc xét duyệt đề tài phải phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Quốc hội cũng như đảm bảo chất lượng đề tài nghiên cứu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã gửi dự thảo này đến nhiều cơ quan khác, trong đó có Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét. Về cơ bản, các cơ quan của Quốc hội nhất trí với dự thảo Quy chế.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong dự thảo có 2 vấn đề còn ý kiến xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ nhất, tiêu chuẩn cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế). Theo tiêu chuẩn hiện nay thì Cử nhân có thể là chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thì quy định, tiêu chí này phải cao hơn. Ngoài ra, trong quy chế của Viện Khoa học Hàn lâm, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp cũng đưa ra quy định cao hơn. Vì vậy, Viện Nghiên cứu lập pháp có tham khảo từ những quy chế đó và thấy rằng từ thực tiễn ở Viện, một số người có bằng tốt nghiệp Cử nhân nhưng được giao chủ nhiệm đề tài chưa thực sự đạt chất lượng nên đã đưa ra tiêu chí chủ nhiệm đề tài phải có trình độ cao hơn. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng ủng hộ tiêu chí này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận Phiên họp.
Thứ hai, về kỹ thuật văn bản và các nội dung khác. Dự thảo Quy chế (Điều 41) nêu 02 phương án. Phương án 1 quy định các biểu mẫu thuộc phụ lục của dự thảo Quy chế. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng phương án này bảo đảm được nguyên tắc thống nhất trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, sẽ khó khăn khi cần phải sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu dù chỉ là mang tính kỹ thuật cũng phải thực hiện quy trình sửa đổi Nghị quyết.
Phương án 2 là giao Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng các biểu mẫu. Theo phương án này sẽ có tính linh hoạt cao hơn khi cần thay đổi trong thực hiện, bảo đảm thống nhất khi các quy định pháp luật về ban Khoa học và Công nghệ thay đổi. Theo đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị chọn Phương án 2.
Về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 2. Ngoài ra, vấn đề về quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp cần phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật rà soát kỹ lại văn bản quy chế này để trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành./.