ĐỀ NGHỊ PHÂN BIỆT KINH DOANH VẬN TẢI VÀ DỊCH VỤ HỖ TRỢ KẾT NỐI PHỤC VỤ KINH DOANH VẬN TẢI

22/02/2021

Góp ý vào dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân biệt rõ kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ kết nối phục vụ kinh doanh vận tải.

Tại Phiên thảo luận tại Hội trường đối với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đề cập kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại khoản 4 Điều 60 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin chỉ hỗ trợ kết nối việc thực hiện dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Xét về bản chất, 2 mô hình này hoàn toàn khác nhau. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối vận tải chỉ vận hành phần mềm ứng dụng, không tham gia vào mọi công đoạn trong quá trình vận tải.


Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng chỉ giúp kết nối khách hàng và lái xe thông qua phần mềm kết nối trên không gian mạng, không sở hữu xe và lái xe và chỉ được hưởng phí kết nối từ việc hỗ trợ các lái xe. Họ chỉ thỏa thuận với lái xe là các cá nhân thật sự kinh doanh vận tải chứ không trực tiếp giao dịch với người thuê dịch vụ vận tải hành khách, cho nên chỉ coi như dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Việc quy định như vậy là không phù hợp với thực tiễn và sẽ khiến doanh nghiệp cung cấp phần mềm hoạt động thiếu hiệu quả vì phải thực hiện những yêu cầu không cần thiết khác. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát lại khái niệm này cho chính xác, tránh nhầm lẫn đối tượng, sẽ dẫn đến biện pháp quản lý không phù hợp, làm gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp và kìm hãm sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. Thực tiễn kinh nghiệm của một số quốc gia như Singapore gọi dịch vụ này là dịch vụ trung gian, Philippines và nhiều bang của Mỹ gọi là dịch vụ mạng lưới vận tải hay là Trung Quốc và Úc gọi là dịch vụ đặt xe trực tuyến.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị sửa khoản 4 Điều 60 như sau: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Đồng thời, quản lý dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải theo nhóm dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Vấn đề thứ hai, về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, tại khoản 5 Điều 60 dự thảo luật nêu rõ: "Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là một trong 3 loại hình kinh doanh vận tải". Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, việc gọi tên như vậy là chưa phù hợp với pháp luật về thương mại. Theo pháp luật về thương mại, tất cả mọi hình thức kinh doanh vận tải hành khách, kể cả loại hình taxi lẫn xe bus đều có tính chất hợp đồng, vì chúng đều là thỏa thuận giữa khách hàng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Hơn nữa, việc phân loại kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo 3 nhóm là chưa tương đồng, trong khi 2 nhóm là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus và xe taxi là căn cứ theo loại hình phương tiện. Còn nhóm thứ ba, kinh doanh vận tải theo hợp đồng lại căn cứ vào hình thức kinh doanh. Do đó, gọi tên như vậy sẽ khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị xem xét lại tên gọi của kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, có thể nghiên cứu đổi tên loại hình kinh doanh vận tải hành khách này thành phương tiện cho thuê, có tài xế sẽ phù hợp hơn.

Đề cập về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ một trong những điểm mới của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là sắp xếp lại các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, khoản 4 Điều 60 dự thảo luật quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, với khái niệm mới nêu trên thì các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô như Grab, Be... sẽ bị coi là hoạt động kinh doanh vận tải và quy định này không phù hợp với thực tiễn. Ý kiến này đề nghị chỉ nên coi các dịch vụ sử dụng công nghệ nêu trên là các dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ.


Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Tán thành với ý kiến đề nghị cần xem xét lại quy định về khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại khoản 4 Điều 60, đại biểu Nguyễn Manh Cường lý giải: Trong thời gian qua, đã xuất hiện các hình thức kinh doanh mới thực hiện dịch vụ hỗ trợ kết nối cho xe ô tô. Đây là những doanh nghiệp không sở hữu xe ô tô, không giao kết hợp đồng lao động với lái xe mà chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối giữa xe ô tô với khách hàng. Vì vậy, nếu coi các doanh nghiệp này là các đơn vị kinh doanh vận tải giống như các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống, tức là các doanh nghiệp có sở hữu xe ô tô, các doanh nghiệp có giao kết hợp đồng với lái xe để quy định các nghĩa vụ, các điều kiện hoạt động chung giống nhau, như: Phải thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải hợp đồng, phải mua bảo hiểm cho hành khách, phải bồi thường thiệt hại là không hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng quy định trên chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu và thực thi pháp luật khác nhau. Cùng một hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối nhưng lúc thì được coi là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (theo quy định tại khoản 4 Điều 60) lúc thì được coi là đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô (theo quy định tại khoản 3 Điều 93) tùy theo cách giải thích về mặt kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng. Điều đáng lo ngại là quy định này sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối càng thông minh, tiện lợi cho các bên sử dụng thì dễ bị gán mác là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, còn doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ kết nối khiêm tốn hơn thì coi là doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải. Ngoài ra, nếu xác định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ nêu trên là các đơn vị kinh doanh vận tải thì sẽ không bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 77 dự thảo cũng quy định về một hình thức cung cấp dịch vụ tương tự nhưng là cho xe mô tô. Theo đó, nếu cung cấp dịch vụ trên cho xe mô tô, xe gắn máy thì sẽ được coi là đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ mà không bị coi là đơn vị kinh doanh vận tải.

Vì vậy, để bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với thực tiễn và chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tính thống nhất giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và xe gắn máy thì cần xác định các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải không phải là các đơn vị kinh doanh vận tải. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn cần phải được quản lý chặt chẽ nhưng theo quy định riêng tại khoản 3 Điều 93 dự thảo. Đây là vấn đề cần phải được xác định rõ trong dự thảo để tránh sự tranh cãi khi tổ chức thi hành luật.


Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Liên quan đến giấy phép kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cho biết cả nước có hơn 4.300.000 ô tô, trong đó chỉ có 1.700.000 ô tô tham gia kinh doanh vận tải, còn lại là xe cá nhân. Hiện nay, giáo trình của chúng ta đào tạo là đào tạo cả kinh doanh vận tải và cả kỹ thuật lái xe, do đó, giáo trình đào tạo gồm 2 phần. Nếu chúng ta để bình thường như hiện nay thì tất cả những người không tham gia kinh doanh vận tải vẫn phải học về phần kinh doanh vận tải trong giáo trình đã được biên soạn, do đó việc Ban soạn thảo đưa ra luật này là chúng ta học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc. Nước này điều chỉnh 2 phần, một phần kinh doanh vận tải riêng, còn phần kỹ thuật lái xe thì giảm tải trong các trường đào tạo về học lái xe, mà chỉ tập trung vào các kỹ thuật, biển báo để tham gia vận tải thôi.

Còn những đối tượng 1.700.000 xe tham gia kinh doanh vận tải thì lái xe đó mới được học về các chính sách, về việc xếp hàng hóa trên phương tiện như thế nào cho đảm bảo an toàn, số lượng này không nhiều, do đó luật của chúng ta tách ra để cho người học sẽ giảm tải và người kinh doanh vận tải thật sự mới học để cấp chứng chỉ./.

Bích Lan

Các bài viết khác