Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục Phiên toàn thể lần thứ năm

09/09/2012

Ngày 7/9, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ Năm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống khủng bố cho thấy, do diễn biến phức tạp của tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, nguy cơ tiềm ẩn khủng bố ở Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Để nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh phòng, chống khủng bố, đòi hỏi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống khủng bố là một giải pháp trọng tâm cơ bản. Do đó, việc ban hành Luật Phòng, chống khủng bố là yêu cầu khách quan, cấp bách.

 

Dự án Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 57 điều với nội dung cơ bản như những quy định chung; tổ chức hoạt động phòng, chống khủng bố; quy định phòng ngừa khủng bố; chống khủng; phòng, chống tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống khủng bố... Các thành viên Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Luật Phòng, chống khủng bố nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tạo ra cơ sở pháp lý trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi khủng bố xảy ra, đồng thời chủ động hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, về giải thích từ ngữ nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, xây dựng khái niệm khủng bố có tính khái quát, không liệt kê hành vi khủng bố như nội dung giải thích từ ngữ khủng bố tại Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật vì liệt kê như dự thảo Luật vừa không nêu hết các loại hành vi khủng bố, vừa không thống nhất với Bộ luật Hình sự. Ở một góc độ khác, có ý kiến đề nghị chỉ căn cứ vào Điều 84 và Điều 230a của Bộ luật Hình sự để xác định hành vi khủng bố. Khái niệm khủng bố cần được xây dựng theo hướng mở rộng hơn so với tội khủng bố được quy định trong Bộ luật Hình sự và cần lấy mục đích khủng bố để làm căn cứ định nghĩa, lấy hành vi phạm tội khách quan để viện dẫn nhằm bảo đảm tính bao quát, dễ nhận biết.

 

Về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, có ý kiến cho rằng việc xây dựng lực chuyên trách cho lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, cũng ý kiến đề nghị cần phải có báo cáo cụ thể lực lượng chuyên trách chống khủng bố được tổ chức như thế nào, nếu tổ chức lực lượng riêng chỉ để làm nhiệm vụ chống khủng bố thì đề nghị không nên tổ chức. Trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố, đa số các ý kiến cho rằng, hoạt động phòng, chống khủng bố là cần thiết nhưng cần phải lưu ý lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các tổ chức quốc tế, các thế lực thù địch, các quốc gia khác lợi dụng để gây sức ép, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Hợp tác cũng phải bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và yêu cầu hợp tác quốc tế trước tình hình phòng, chống khủng bố trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp...

 

 Phát biểu tại Phiên họp, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao sự tích cực của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp của UBTVQH. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng nên chú ý đến vấn đề về giải thích từ ngữ được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 3 và Điều 42 của dự thảo Luật. Phó chủ tịch cũng lưu ý Ban soạn thảo cần phải cân nhắc khi quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 3 đó là khủng bố bao gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi sau đây: “... các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Việt Nam là thành viên”. Quy định như thế là không hợp lý vì các nước quy định về khủng bố khác với Việt Nam. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sớm tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp này và để hoàn thiện, trình ra QH.

 

Hà An

(http://daibieunhandan.vn)