ĐBQH: MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ BỔ TRỢ TƯ PHÁP VÀ TIẾP CẬN PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP CÒN BẤT CẬP, CHƯA PHÙ HỢP THỰC TIỄN

17/02/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết một số quy định về bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp có nội dung bất cập, chưa phù hợp thực tiễn.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã rà soát 111 văn bản (77 văn bản liên quan đến luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thừa phát lại, Thi hành án dân sự gồm 28 bộ luật, luật, 01 nghị quyết của Quốc hội, 25 nghị định, 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 23 thông tư; 34 văn bản liên quan đến tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp, gồm 07 luật, 02 pháp lệnh, 12 nghị định, 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 08 thông tư và 01 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); phát hiện một số quy định bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn như sau:

Luật Đầu tư và Luật Luật sư quy định không thống nhất về khái niệm “dịch vụ pháp lý” và “hành nghề luật sư” dẫn đến việc đăng ký doanh nghiệp khi hoạt động ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý gặp khó khăn.

Luật Luật sư quy định tại Điều 4 về dịch vụ pháp lý, Điều 22 về phạm vi hành nghề luật sư, theo đó dịch vụ pháp lý là loại dịch vụ chuyên môn đặc thù do người có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và phải được cấp phép thực hiện (thông qua hình thức Chứng chỉ hành nghề và Thẻ); đồng thời cũng là nội dung, phạm vi hoạt động hành nghề của luật sư.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư có quy định “Hành nghề luật sư” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì ngành, nghề đăng ký kinh doanh “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, hoạt động hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị tài liệu pháp lý” của doanh nghiệp thuộc mã ngành “Hoạt động pháp luật” (mã 6910). Trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, không cần đáp ứng bất kỳ điều kiện gì về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ đối với cá nhân, điều kiện thành lập đối với tổ chức cung cấp dịch vụ này.

Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật theo mã ngành “Hoạt động pháp luật” nêu trên về bản chất thuộc nội hàm dịch vụ pháp lý, phạm vi hành nghề luật sư - là một loại hình dịch vụ chuyên môn, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, Điều 3 Luật Doanh nghiệp: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Nên trên thực tế thời gian qua, việc đăng ký đối với doanh nghiệp khi hoạt động ngành, nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý đang có vướng mắc, không tuân thủ quy định của pháp luật về luật sư, doanh nghiệp và đầu tư.

Phướng án xử lý là sửa đổi quy định tại Điều 4, Điều 22 và các quy định liên quan của Luật Luật sư nhằm làm rõ hơn khái niệm “Dịch vụ pháp lý” và “Hành nghề luật sư”, xác định rõ chủ thể thực hiện là luật sư và người có đủ điều thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, để tránh hiểu nhầm là bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào cũng có thể thực hiện “dịch vụ pháp lý”, “hành nghề luật sư” mà không cần đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện gì. Đồng thời sửa Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg theo hướng xác định rõ yêu cầu đối với hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đối với quy định về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại Tòa án, thủ tục đăng ký bào chữa quy định trong Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) không thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thủ tục đăng ký bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại Tòa án: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục đăng ký bào chữa và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa. Điều 61 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đối với luật sư, trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Tuy nhiên, Luật Luật sư quy định luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự thì được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng (tương ứng với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây). Như vậy, thủ tục đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp giữa quy định của các luật nêu trên có sự mâu thuẫn, gây khó khăn cho luật sư khi tham gia tố tụng. 

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, phương án xử lý vấn đề này là sửa đổi, bổ sung quy định về cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của Luật Luật sư cho phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng bỏ quy định tại Luật Luật sư và dẫn chiếu áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015./.

Hồ Hương