Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi: Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, ổn định công tác cán bộ
Ảnh: Quang Khánh
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kết thúc đúng vào thời điểm cả nước nô nức đón Xuân Tân Sửu - một mùa xuân mới và cũng là khởi đầu của giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp… để Nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an vui, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Những việc cần làm sau Đại hội rất bộn bề, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống, tạo tiền đề cho thực hiện thắng lợi nghị quyết. Trong đó, cần tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, ổn định công tác cán bộ, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “cán bộ là cái gốc của công việc”. Trong nhiệm kỳ Khóa XII của Đảng, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, rõ nét, có nhiều đổi mới, triển khai thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm, trọng điểm và bước đầu đã khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong thời gian dài.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng chính quyền điện tử... nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, toàn hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sắp xếp, ổn định lại hoạt động để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo đà cho phát triển nhanh, bền vững.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, qua đó, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển đất nước. Trong 35 năm của quá trình đổi mới, không phải lúc nào chúng ta cũng đi trên một con đường thẳng, êm ả, mà đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Hơn lúc nào hết, trong nhiệm kỳ Khóa XIII chúng ta cần tiếp tục vận dụng, phát huy hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý giá này.
Trong đó, bài học quan trọng nhất, theo tôi, chính là thực hiện tốt công tác cán bộ, chống cho được tệ tham nhũng, quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong 5 năm của nhiệm kỳ Khóa XII, chính công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, không có vùng cấm, không ngừng nghỉ đã giúp Đảng ta lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân. Nhân dân hướng về Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là cơ sở vững vàng để chúng ta phát triển đất nước trong bối cảnh sẽ có nhiều khó khăn, thử thách phức tạp hơn ở phía trước.
Bài học thứ hai là tiếp tục thúc đẩy công cuộc hội nhập với thế giới. 35 năm qua, đặc biệt trong 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội XII, nước ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới, tiến bộ như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)… Đây chính là con đường giúp thúc đẩy sự phát triển của đất nước tiến nhanh, tiệm cận các nước tiên tiến.
TS, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế
Ảnh: Quang Khánh
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tuy không sửa Cương lĩnh nhưng Đảng ta đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức quan trọng định hướng phát triển đất nước, vừa có tầm nhìn dài hơn vừa có tính chất cụ thể hơn và đặt trong bối cảnh sẽ có những thách thức khó lường hơn so với giai đoạn trước.
Năm 1991, Đảng đề ra Cương lĩnh 91 với định hướng Việt Nam sau khoảng 30 - 50 năm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng lần này, chúng ta đặt mốc cụ thể hơn, từ nay đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và năm 2045 trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Đây là những mốc thời gian cụ thể, được đặt ra với yêu cầu rất cao trong khi thời gian thực hiện thì ngắn và nguồn lực đất nước hiện tại, phải nói thật, sau năm 2020 với những tác động gay gắt của dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt dị thường... thì cũng không xông xênh gì. Cùng với đó, bối cảnh quốc tế hiện nay còn phức tạp hơn thời kỳ Đảng ta sửa đổi Cương lĩnh năm 2011.
Ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển kinh tế. Đổi mới tư duy của Đại hội lần thứ VI là đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Nhưng bây giờ, đổi mới tư duy của Đại hội lần thứ XIII là đổi mới mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải khác đi. Một thời gian dài vừa qua, chúng ta nhìn nhận chưa đồng bộ về các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho đến khi có chùm ba Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII mới cân bằng giữa kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đơn cử như về kinh tế nhà nước, mới dừng ở việc tập trung bảo vệ sự tồn tại của kinh tế nhà nước mà chưa nêu được các đóng góp của doanh nghiệp nhà nước với tư cách là một công cụ vật chất hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, trong năm 2020 thấy rất rõ, nhận định của chúng ta về doanh nghiệp nhà nước là chưa đúng và chưa tới.
Nhiều người nói doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả nhưng qua điều hành của Chính phủ năm 2020 thì không phải như vậy. Một ví dụ rất rõ trong lĩnh vực hàng không. Chúng ta cứ nói Nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airlines, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước, tức là tạo sự không bình đẳng cho doanh nghiệp. Nhưng chúng ta lại quên mất Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Khi thực hiện quyết định của Thủ tướng về giảm miễn phí và lệ phí hạ cất cánh, phí sân đỗ, phí hành khách thì riêng trong năm 2020 đã giảm thu đến gần 5.000 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách nhà nước hụt thu và phần hụt thu này hỗ trợ trực tiếp cho cả doanh nghiệp Vietnam Airlines, cả Vietjet, Bamboo, Viettravel.
Hay điện đang là vấn đề rất phức tạp. Thủ tướng quyết định nếu điện mặt trời đưa vào lưới điện trước ngày 1.7 thì giá 9,35 cents/kWh. Nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì vẫn bị Chính phủ chỉ đạo chỉ được bán với giá bình quân 5,2 cents/kWh cho người dân. Bây giờ điện mặt trời của tư nhân chiếm tới 18% tổng sản lượng điện sản xuất. Thế thì EVN lỗ. Khoản chênh lệch giữa 9,35 cents mua vào của tư nhân với 5,2 cents bán ra cho người dân là EVN phải chịu và tính vào lợi nhuận của EVN. Cùng với đó, EVN cũng không được tăng giá bán, những khoản tiền hỗ trợ đợt dịch Covid-19 cũng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Toàn là doanh nghiệp nhà nước làm, các công ty bán điện khác có ai giảm giá bán cho EVN đâu? Những ví dụ như vậy để thấy rằng, nếu chúng ta không bình tĩnh trong nhận định, đánh giá về vai trò của doanh nghiệp nhà nước là rất khó.
Chúng ta phải tiếp tục đổi mới nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thực hiện đúng Cương lĩnh của Đảng là kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể dần trở thành chủ đạo. Nhưng trong thời điểm hiện nay, kinh tế nhà nước sẽ phải là bà đỡ, đi trước, mở đường, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Đồng thời, phải có nhiều hơn nữa cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để hình thành được các doanh nghiệp Việt “đầu đàn”, hình thành được ngành sản xuất của Việt Nam mà không phân biệt sở hữu nhà nước hay tư nhân. Điều này đòi hỏi phải đổi mới tư duy về phương thức tác động của Nhà nước lên thị trường bởi nếu chúng ta vẫn quan niệm như hiện nay thì sẽ chỉ tác động được lên phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước mà thôi.
Nhiệm vụ đặt ra sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng là rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất, nhất quán trong nhận thức và hành động. Trên cơ sở các mục tiêu, quan điểm, định hướng đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, Chính phủ phải cụ thể hóa thành các kế hoạch 5 năm để trình Quốc hội thông qua và triển khai ngay. Cần chọn lĩnh vực để tập trung thực hiện cho khả thi chứ không thể dàn đều các mục tiêu. Sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011, có cơ sở để tin rằng, nếu chúng ta quyết liệt, đồng lòng hơn nữa trong nhận định tình hình và triển khai công việc thì sẽ có những đột phá và đất nước sẽ đi lên.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Bước chuyển mới trong công cuộc đổi mới
Ảnh: Quang Khánh
Đại hội lần thứ XIII của Đảng vạch ra đường lối, định hướng chiến lược nhằm đưa đất nước ta đạt được bước phát triển nhảy vọt trong giai đoạn tới. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ chủ chốt được bầu tại Đại hội lần này, vì đây là nhân tố quyết định việc triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.
Có được đường lối, chủ trường, chính sách đúng đắn; đội ngũ cán bộ trí tuệ, có tâm, có tầm, trung thành với sự nghiệp và lý tưởng cách mạng, thì một yếu tố hết sức quan trọng nữa là phải tạo được sự đồng lòng, đồng thuận trong thực thi hành động. Sau Đại hội, điều quan trọng là phải tạo được nhận thức sâu đậm về những quan điểm, chủ trương, đổi mới của Đảng trong mọi tầng lớp Nhân dân, các cấp ủy, chính quyền và tất cả cán bộ thực thi trong bộ máy nhà nước cũng như doanh nghiệp. Khi trên dưới đồng lòng thì dù nhiệm vụ có mới đến đâu, khó khăn đến thế nào, chúng ta cũng sẽ vượt qua được và gặt hái thành công.
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta thấy rất rõ sức mạnh của sự đồng lòng, đồng thuận trong việc thực hiện các biện pháp quyết liệt về phòng, chống dịch. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra rất đúng đắn, thậm chí chưa từng có trong lịch sử và có thể tạo ra rất nhiều thay đổi trong hoạt động thường ngày của người dân, doanh nghiệp, nhưng vì người dân, doanh nghiệp nhìn nhận rất rõ những biện pháp này mang lại hiệu quả gì nên đều ủng hộ, đồng lòng với Đảng và Nhà nước, nhờ đó, công cuộc phòng, chống dịch của chúng ta mới thành công.
Với những định hướng chiến lược, Đại hội lần thứ XIII sẽ đánh dấu bước chuyển mới trong công cuộc đổi mới của chúng ta, tạo ra thay đổi rất lớn về tư duy và hành động. Sự thay đổi này không chỉ diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên; mà trong mọi tầng lớp Nhân dân. Chính sự thay đổi trong tư duy, hành động của toàn xã hội sẽ tác động trở lại, thúc ép những người nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý, có chức, có quyền phải làm tốt hơn. Chúng ta thấy, trong đại dịch Covid-19, hầu như không ai dám dùng vị thế, quyền lực của mình để làm khác đi. Người dân và toàn xã hội cũng mong chờ rằng bộ máy nhà nước, những người quản lý, những người có chức vụ quyền hạn ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở sẽ hành động được như trong thời kỳ phòng, chống Covid-19 vừa qua. Nếu như mọi khâu, mọi việc đều vận hành tốt như thế, thì nhiệm vụ nào cũng thành công.