Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nnhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh
Quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và quản lý chặt chẽ cửa khẩu nhằm ngăn ngừa Covi-19 xâm nhập vào nội địa. Đấu tranh phòng, chống tội phạm tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu. Thực hiện công tác đối ngoại biên phòng. Tham gia xây dựng khu vực biên giới vững mạnh; tìm kiến cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng vinh quang mà Bộ đội biên phòng đã và đang thực hiện hơn 60 năm kể từ khi được thành lập. Tuy nhiên, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng đã có hơn 20 năm lại chưa đủ cơ sở pháp lý để BĐBP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu cần xây dựng 1 dự án Luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là không gian sinh tồn của đời đời con cháu dân tộc Việt Nam. Vì vậy, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bước đầu dự án Luật Biên phòng Việt Nam trình ra Quốc hội còn nhận được ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, nội dung, sự thống nhất với các Luật có liên quan. Vì vậy, với nhiệm vụ được giao thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phải giải đáp được những băn khoăn, để Luật ra đời vừa đảm bảo được vành đai khép kín bảo vệ biên giới, chủ quyền của Tổ quốc; vừa rành mạch, rõ ràng để không chồng chéo trong quá trình thực hiện.
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhiều quy định như việc tổ chức xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia chưa được luật hóa. Những quy định cụ thể chưa được chi tiết nên thiếu cơ sở pháp lý để Bộ đội Biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ này.
“Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc Biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội, để có thêm thông tin, cơ sở hoàn chỉnh dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức các cuộc Tọa đàm tại cả 3 miền, đại diện tại 3 địa phương gồm Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng và Kiên Giang để lấy ý kiến nhiều chiều; lắng nghe các quan điểm từ thực tiễn. Trên tinh thần tôn trọng, chắt lọc các nội dung phù hợp, Thường trực Ủy ban đã tổng hợp lại để dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam chặt chẽ, tiếp thu được cả lý luận và thực tiễn.
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, trong Luật Biên phòng Việt Nam quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh: “Đối với lực lượng chuyên trách này, quy định rõ trách nhiệm quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết33 của Bộ chính trị về chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Hoạt động của Bộ đội Biên phòng hơn 60 năm qua liên tục phát triển. Cả khu vực biên phòng rất rộng lớn, quan trọng và ý nghĩa, là vành đai bảo vệ tổ quốc. Vì vậy, Luật Biên phòng Việt Nam phải khẳng định được vị thế, tầm quan trọng của khu vực biên phòng rõ ràng hơn, địa vị pháp lý của Bộ đội biên phòng cao hơn. Bên cạnh đó, cần có quy định để đảm bảo cơ chế chính sách cho Bộ đội Biên phòng hoạt động nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Với quan điểm thẩm tra như vậy, khi Ủy ban tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội cho ý kiến, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của tuyệt đại các đại biểu Quốc hội.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Biên phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Luật Biên phòng Việt Nam với 6 chương, 36 điều đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng vè hành lang pháp lý cho công cuộc xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; xác định rõ nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân, vành đai biên giới, các quy định về hạn chế, tạm đình chỉ và qua lại biên giới, phù hợp với Hiến pháp 2013 và tập quán quốc tế, xác định trách nhiệm của các cấp ngành đối với sự nghiệp quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.
Cùng với dự án Luật Biên phòng Việt Nam, để phục vụ hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra 3 dự án luật khác để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, bao gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo đảm vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đây là những dự án Luật không chỉ liên quan trực tiếp đến lực lượng thực thi bảo đảm TTATGT, bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách mà còn tác động trực tiếp đến người dân. Vì vậy, các nội dung trong 3 dự án Luật này được cử tri, nhân dân hết sức quan tâm. Cho nên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức thẩm tra 1 cách chu đáo, thận trọng và có nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn để có cơ sở, thông tin đầy đủ gửi tới các Đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: “Để có kết quả tốt nhất, có một dự án Luật tốt nhất điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đảm bảo TTATGT, Ủy ban Quốc phòng và An ninh dưới sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với tất cả các cơ quan đơn vị để xuống tận cơ sở, rà soát, lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía, cả những người thực thi pháp luật và những người tham gia thực hiện pháp luật để có những ý kiến tốt nhất, xây dựng các điều khoản trong Luật phù hợp với thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống”.
Cũng trong năm 2020, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra 4 dự thảo Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua ngay tại Kỳ họp cuối năm. Với quy trình thẩm tra rất thận trọng, Ủy ban đã thẩm tra dự thảo Nghị quyết này rất toàn diện và chính xác, để vừa phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Với những thông tin đầy đủ, Báo cáo thẩm tra thuyết phục của Ủy ban, 100% các Đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết đã tán thành thông qua Nghị quyết. Đây chính là dấu ấn nổi bật của Ủy ban không chỉ trong năm mà còn trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, bởi rất ít Luật, Nghị quyết nhận được sự tán thành tuyệt đối như vậy.
Đánh giá về ý nghĩa của Nghị quyết về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Nghị quyết tạo ra hành lang pháp lý để chúng ta không bị lúng túng trong việc chuẩn bị đưa quân đi và trong quá trình chỉ đạo, chỉ huy lực lượng quân sự ở nước ngoài.
“Đây là một vấn đề rất khó chưa từng có tiền lệ. Đại biểu Quốc hội vừa qua đã thông qua Nghị quyết với tỷ lệ 100%, qua đó thể hiện người dân Việt Nam thấy rằng đây là một hoạt động cần thiết, cần phải tiếp tục để giữ gìn đất nước bằng biện pháp hòa bình và đóng góp cho hòa bình thế giới”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Còn theo Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, ngay từ khi đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thành lập Ban soạn thảo, giao nhiệm vụ cho Ban soạn thảo.
Trung tướng Ngô Minh Tiến thông tin thêm: “Quá trình soạn thảo, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, chúng tôi cũng mời các chuyên gia kỹ thuật lập pháp cùng tham gia với Ban soạn thảo ngay từ đầu, đặc biệt là khi có ý kiến khác nhau, chúng tôi có giải trình thấu đáo, tiếp thu chỉnh lý vì vậy mà chất lượng soạn Luật, Nghị quyết về lĩnh vực Quốc phòng đều được các Đại biểu Quốc hội đồng tình biểu quyết với số phiếu rất cao”.
Như vậy, năm 2020, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch cũng như nhiệm vụ đột xuất, phát sinh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Công tác xây dựng luật đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nnhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh
Tổng kết kết quả năm 2020 của Ủy ban, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban đã tổ chức thẩm tra một cách rất chu đáo, thận trọng và có nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn nên chất lượng đảm bảo yêu cầu của Quốc hội và khi Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu, lần 2 đều rất tập trung. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh giải thích: “Sở dĩ như vậy là do Ủy ban đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, hội thảo chuyên đề tại đủ các vùng miền để nghe các nhà hoa học, các nhà chuyên môn, cơ quan chủ quản, sau đó tổng hợp lại, chắt lọc trình ra Quốc hội để Quốc hội thảo luận và cuối cùng lựa chọn phương án tối ưu nhất. Nói chung, các dự án Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thảo luận rất sôi nổi, tập trung và chất lượng được nâng lên rất cao”.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn
Nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng là nội dung quan trọng, góp phần phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện đường lối, chính sách về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết: “Năm 2021, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản về lĩnh vực quân sự, quốc phòng; nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, ban hành một số luật, văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quân sự, quốc phòng như: Luật Động viên công nghiệp, Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Công nghiệp quốc phòng, Luật Phòng thủ dân sự.
Đối với Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng nêu rõ, trong những năm qua, nhiệm vụ xây dựng pháp luật luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an nêu trong Nghị quyết, Chỉ thị về công tác công an hàng năm; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc; qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tại Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 04 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua (trên tổng số 22 dự án luật trình Quốc hội theo chương trình). Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Năm 2021, theo dự kiến, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được Kỳ họp thứ 10 cho ý kiến; trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV cho ý kiến 03 dự án luật, gồm: dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Cảnh sát cơ động”.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời phỏng vấn
Kết thúc một năm đầy khó khăn, song Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ của Ủy ban và của Quốc hội khóa 14. Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban tiếp tục phát huy trong năm 2021 cũng như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, xứng đáng với trọng trách là “người gác cổng cho Quốc hội” về pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh./.