Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên; Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó chủ tịch Nhóm Nữ ĐBQH Nguyễn Thúy Anh; Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Phó chủ tịch Nhóm Nữ ĐBQH Nguyễn Thị Nghĩa đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo, ủy viên các Ủy ban của QH và lãnh đạo, đại biểu Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh cùng nhiều chuyên gia và báo cáo viên.
Từ những góc nhìn khác nhau thông qua thực tiễn hoạt động của mình, các đại biểu dự hội thảo đã thảo luận, chia sẻ và đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sự tham gia của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp trong các hoạt động trên nghị trường, tiếp xúc cử tri và quan hệ với báo chí. Trong không khí cởi mở, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung như: hoạt động tiếp xúc cử tri phục vụ công tác xây dựng pháp luật và giám sát; kỹ năng thu thập, xử lý, phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri; một số vấn đề cần quan tâm khi tham gia ý kiến về các vấn đề xã hội tại tổ, hội trường; nâng cao chất lượng của công tác chất vấn; một số vấn đề cần quan tâm khi tiếp xúc cử tri tại địa bàn miền núi và tiếp xúc cử tri người dân tộc thiểu số; quan hệ với truyền thông; kinh nghiệm thực tiễn trong quan hệ với các phương tiện thông tin đại chúng; một số vấn đề nữ đại biểu cần quan tâm khi trả lời phỏng vấn…
Hội thảo nhận định, vai trò đại diện là một trong những chức năng quan trọng nhất của đại biểu dân cử. Với vị trí là người được cử tri gửi gắm sự tín nhiệm và nhận sự ủy quyền từ cử tri, việc rèn luyện kỹ năng tiếp xúc cử tri, tham gia ý kiến trên nghị trường và làm việc với các cơ quan báo chí là một trong những việc làm quan trọng và rất cần thiết đối với từng đại biểu dân cử, cho dù là đại biểu mới hay đại biểu tái cử. Các hoạt động đó không chỉ thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị của đại biểu dân cử mà còn là công cụ, thước đo đánh giá tiềm năng, năng lực đại diện của mỗi đại biểu.
Trong đó, hoạt động tiếp xúc cử tri góp phần thu thập thông tin thực tiễn, nguồn nguyên liệu quan trọng, để đại biểu dân cử tham gia vào các hoạt động lập pháp và xem xét, đánh giá việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật trong các lĩnh vực. Trong tiếp xúc cử tri, đại biểu cần trang bị cho mình kỹ năng thu thập, xử lý và phản hồi thông tin trước, trong và sau mỗi kỳ họp. Thông tin là yêu cầu bắt buộc để đại biểu dân cử có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Nắm chắc thông tin cũng giúp cho đại biểu dân cử thực hiện tốt vai trò và sự tham gia của mình trong các hoạt động chất vấn trên nghị trường. Bên cạnh đó, trong hoạt động chất vấn, việc lựa chọn vấn đề chất vấn được coi là kỹ năng đầu tiên mà các đại biểu dân cử cần có. Trong đó, chủ đề chất vấn trước tiên phải là các vấn đề gây bức xúc trong xã hội; các nội dung chất vấn cần có tầm bao quát và căn cơ để nâng cao hiệu quả và tầm tác động của chất vấn. Cũng tại hội thảo, kinh nghiệm thực tế cũng như lý luận trong quan hệ truyền thông, các kỹ năng quan hệ với truyền thông cần có của đại biểu dân cử… cũng được các đại biểu chia sẻ và thảo luận.