Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”. Tọa đàm nhằm đánh giá bước đầu về kết quả, đặc biệt là những dấu ấn nổi bật của Đại hội XIII; đồng thời, gợi mở những vấn đề, nội dung quan trọng trong tổ chức, quán triệt, học tập, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII, Trưởng ban Chỉ đạo Tọa đàm Lê Mạnh Hùng.
Tham dự Tọa đàm có Nhà báo Hà Đăng - Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; Tiến sĩ Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cùng nhiều phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương (giữa).
Tọa đàm tập trung trao đổi xung quanh các vấn đề về những kết quả nổi bật của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; những dấu mốc quan trọng trong 91 năm lịch sử vẻ vang của Đảng; dư luận trong nước và bạn bè quốc tế về Đại hội XIII; Công tác tuyên truyền, quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống….
Một trong những nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi tại Tọa đàm là những kết quả nổi bật của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đã được ghi vào trong Văn kiện Đại hội Đảng.
Được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương coi đây là một niềm vui, vinh dự rất to lớn và cũng cảm nhận được rất rõ trách nhiệm của mình để không phụ sự tin cậy, tin tưởng của Đại hội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, công phu, chu đáo, cẩn thận. Mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, lũ lụt diễn biến rất phức tạp nhưng Đại hội đã diễn ra thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trên tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao trong Trung ương, toàn Đảng. Ngoài ra, Đại hội đã nhận được sự quan tâm, phấn khởi đánh giá cao của Nhân dân trong nước cũng như sự chúc mừng, đánh giá cao của các Đảng, các tổ chức, bạn bè quốc tế.
Là một đại biểu chính thức và Ủy viên Trung ương Đảng mới được bầu, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ cảm xúc bằng các từ: Trọng trách và Tin tưởng.
Đề cập về trọng trách, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ nhận định: Đảng ta đã xác định một mục tiêu phát triển dài nhất, lớn nhất và có thể nói là đầy cảm hứng cho một giai đoạn rất dài không chỉ cho 5 – 10 năm tới, mà đến năm 2045 trở thành nước phát triển công nghiệp cao. Khi chúng ta đặt ra một mục tiêu và tham vọng như vậy thì bối cảnh quốc tế và khu vực hết sức đặc biệt, thách thức chưa từng có, diễn biến rất nhanh, khó lường, nhưng đồng thời mở ra những vận hội lớn cho sự phát triển. Đất nước ta hội nhập rất sâu rộng, có thể nói chưa từng có ở khu vực nói chung. Về phương diện đối ngoại, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ nhận thức được trọng trách của ngành Đối ngoại nói chung là làm sao đồng hành cùng đất nước, các Bộ, ngành để hiện thực hóa khát vọng rất lớn của dân tộc ta trong 10-20 năm tới.
Về sự Tin tưởng, qua Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như qua phản hồi của bạn bè quốc tế, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào những quyết sách được đưa ra tại Đại hội XIII và sự trưởng thành của Đảng ta, sức mạnh của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ các cấp. Về đối ngoại, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách là Chủ tịch ASEAN, cũng như là vị trí ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ở trong nước, chúng ta đã xử lý rất hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo kinh tế tăng trưởng khá trong bối cảnh hết sức khó khăn như vậy.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, với một tinh thần cởi mở, Đảng ta với sự cầu thị, khẳng định những thành tựu, xác nhận những yếu kém để có thể vươn lên, thích ứng với thời đại. Cũng với những tinh thần ấy, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ hoàn toàn tin tưởng ngành Đối ngoại sẽ góp phần cùng với dân tộc, đất nước, cùng với các Bộ, ngành khác có thể hiện thực hóa khát vọng hết sức lớn lao của dân tộc ta.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khơi gợi được sức mạnh tinh thần, có thể nói là sức mạnh nội sinh khát vọng phát triển dân tộc. Đây là tài sản còn tiểm ẩn rất nhiều dư địa để chúng ta từ sức mạnh nội sinh đó có thể chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, từ đó hiện thực hóa khát vọng của dân tộc ta trong thời gian tới.
Vị thế và vai trò của Việt Nam trong công tác đối ngoại khi triển khai các mục tiêu phát triển của đất nước
Chia sẻ về những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội XIII đã được ghi vào trong Văn kiện Đại hội Đảng, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: Có thể nói, trong thời gian tới, triển vọng cơ đồ và tương lai phát triển của đất nước ta gắn rất chặt với bối cảnh chiến lược chung ở tầm khu vực và quốc tế. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng Văn kiện, nội dung về đối ngoại, phần dự báo tình hình cũng như là phần xây dựng đường lối, chính sách được thảo luận và được phân tích, rất kỹ lưỡng không chỉ trong báo cáo chính trị mà trong các văn kiện khác. Ví dụ như là nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hay là chiến lược triển kinh tế xã hội 10 năm. Đặc biệt là đường lối đối ngoại vừa có tính nhất quán, vừa có tính kế thừa và phát triển, vừa có tính nhất quán cũng như là sự điều chỉnh, bổ sung dựa trên bối cảnh chiến lược quốc tế chung và dựa trên nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi thời kỳ cách mạng nước ta.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong Văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng như qua quá trình thảo luận của Đại hội nổi lên 5 điểm mới.
Thứ nhất, có thể thấy trong phần dự báo của Văn kiện đã thể hiện tính toàn diện, biện chứng, nhấn mạnh cả những khía cạnh thời cơ và thách thức trong dự báo tình hình thế giới, khu vực. Ví dụ như đánh giá về những xu hướng lớn thì vừa có tính khái quát cao, thể hiện cụ thể cả hai mặt thách thức và cơ hội. Ví dụ như là xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển vẫn được duy trì. Tuy nhiên, sẽ có những thách thức, trở ngại trong toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong vấn đề kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng và có thể suy thoái kéo dài; đồng thời cũng nhấn mạnh những vận hội và cơ hội rất quan trọng từ cách mạng công nghiệp 4.0, trong quá trình chuyển đổi số… thì đã có một cái nhìn hết sức biện chứng, toàn diện, nhấn mạnh cả thời cơ và thách thức trong thời gian tới cho đất nước.
Thứ hai, trong Văn kiện lần này đã nhấn mạnh đến vị thế và vai trò của Việt Nam trong công tác đối ngoại khi triển khai các mục tiêu phát triển đất nước. Theo đó, đối ngoại phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia và đối ngoại.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Thứ ba, Văn kiện tiếp tục khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác phát triển độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm, cộng đồng quốc tế. Ở đây cho thấy một sự tự tin và sự chủ động trong việc đóng góp vào các vấn đề quốc tế, đồng thời cũng khẳng định là chúng ta bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và bình đẳng cùng có lợi. Như vậy, chúng ta theo đuổi lợi ích quốc gia, dân tộc không phải là theo góc độ chủ nghĩa dân tộc, vị kỷ mà trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc, được coi là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất của toàn cầu và bình đẳng cùng có lợi.
Thứ tư, có thể nói, trong Văn kiện Đại hội Đảng cũng nhấn mạnh đến điểm mới là xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Ngoại giao toàn diện dựa trên ba trụ cột: đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và nhấn mạnh đến sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ba trụ cột đó. Toàn diện không chỉ là về chủ thể đó mà toàn diện cả về hình thức và lĩnh vực, ví dụ như ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và cả về đối tượng thúc đẩy quan hệ. Không chỉ các đối tác là Chính phủ và phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế. Tính hiện đại của ngoại giao thể hiện là mong muốn nâng tầm tính hiện đại ngoại giao về phương thức triển khai và bộ máy, kể cả con người làm công tác đối ngoại. Ngoại giao hiện đại ở đây không có nghĩa rằng từ bỏ yếu tố truyền thống, mà yếu tố truyền thống, đặc biệt là phát huy truyền thống về đối ngoại, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn là sợi chỉ đỏ và kim chỉ nam, nền tảng cho chúng ta có thể phát triển nền ngoại giao hiện đại.
Thứ năm, chúng tôi thấy nổi bật đó là trong văn kiện chính trị lần này cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường quan hệ song phương, tăng cường sự đan xen lợi ích với các đối tác, đặc biệt là các đối tác nước láng giềng, các nước, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, đặc biệt là những đối tác toàn diện và chiến lược. Đây là một điểm mới và nó thể hiện sự phát triển mặt lý luận của Đảng ta, đề cao vai trò của đối ngoại đa phương trên cơ sở là những thành tựu đối ngoại đa phương của chúng ta trong thời gian qua cũng như tầm quan trọng của đối ngoại đa phương đối với Việt Nam trong việc mở rộng không gian phát triển của đất nước, nâng cao vị thế đất nước, cũng như góp phần vào giải quyết các vấn đề toàn cầu của nhân loại./.