Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021 là chỉ đạo công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; tiến hành tổng kết công tác nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; phối hợp triển khai thực hiện Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; ban hành và phối hợp ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; phối hợp với Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân,...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ.
Một là, chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội
Hai là, trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Trong đó, tập trung chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết để kịp thời thể chế hóa các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các điều ước quốc tế đã được Quốc hội phê chuẩn, các đạo luật mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát để phát hiện và xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ba là, trong công tác giám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các kế hoạch đã được ban hành bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Bốn là, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng. Trong năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia (bao gồm kế hoạch vay, trả nợ công), đầu tư công trung hạn; chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chủ trương đầu tư công trình quan trọng quốc gia (nếu có).
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự: xem xét, giới thiệu, đề nghị Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội.
Cho ý kiến về việc trình Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cho ý kiến để trình Quốc hội quyết định cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Xem xét, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội; quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Xem xét, quyết định thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV và các nhóm nghị sĩ hữu nghị khóa XV của Việt Nam với các nước, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam.
Xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách theo đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có). Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nếu có).
Phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phê chuẩn việc cho thôi, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ nêu trên (nếu có).
Xem xét, quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
Năm là, trong công tác đối ngoại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2021; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022. Chỉ đạo triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội bảo đảm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, tuân thủ đầy đủ các quy định của Đảng và của pháp luật.
Chỉ đạo triển khai chương trình đối ngoại song phương và đa phương trên cơ sở ưu tiên tăng cường hoạt động đối ngoại với nghị viện các nước láng giềng có chung biên giới, đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, thiết thực với các phương thức mới phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của đại dịch Covid-19.
Tăng cường đối thoại, họp trực tuyến, trao đổi quan hệ song phương với Quốc hội một số nước. Đẩy mạnh hoạt động của các nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước. Chỉ đạo tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế.
Sáu là, trong công tác dân nguyện, chỉ đạo hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ở các cơ quan Trung ương, địa phương, nhất là trong thời gian chuẩn bị và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bảy là, hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và bảo đảm các điều kiện của đại biểu Quốc hội; hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xác định tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Chỉ đạo mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội bảo đảm thông suốt, hiệu quả, kịp thời và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chỉ đạo việc nghiên cứu, cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ và tăng cường các điều kiện bảo đảm hoạt động của bộ máy giúp việc Quốc hội.
Để triển khai tốt các nhiệm vụ đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể, đoàn kết, nỗ lực, nghiên cứu, cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, chế độ làm việc bảo đảm khoa học, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, các nội dung trong chương trình công tác.
Ưu tiên tập trung chỉ đạo sát sao các nhiệm vụ trọng tâm trong năm để bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tăng cường, chủ động phối hợp công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan, tổ chức hữu quan... trong việc xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020; trong đó, chú ý thực hiện nghiêm các quy định về thời hạn, khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ, không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Hạn chế tối đa việc bổ sung dự án gần thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trừ trường hợp thật sự cấp bách.
Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với điều kiện hoạt động cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chỉ đạo việc đôn đốc, theo dõi các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các báo cáo, nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị về giám sát.
Đồng thời, cân nhắc hợp lý về quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phân công thẩm tra các nội dung bảo đảm phù hợp, khoa học, tránh dồn quá nhiều việc vào một cơ quan tại một thời điểm. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và giữ ổn định chương trình các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn bị nội dung và dự họp của các cơ quan hữu quan./.