RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH MÂU THUẪN, CHỒNG CHÉO, BẤT CẬP VỀ KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH

01/02/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết kết quả rà soát các quy định về kiểm tra chuyên ngành.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đối với các quy định về kiểm tra chuyên ngành, đã rà soát 157 văn bản (gồm 20 luật, 46 nghị định của Chính phủ, 06 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 85 thông tư, thông tư liên tịch) liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh (tập trung vào một số lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, dược, thú y, thủy sản, trồng trọt, kiểm dịch thực vật, chăn nuôi, giao thông, năng lượng, môi trường, khoáng sản, đa dạng sinh học, đo đạc, bản đồ, an ninh, thông tin truyền thông); phát hiện một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn như sau:

Đối với các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, có sự chồng chéo về cấp giấy phép giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP thì các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES khi nhập khẩu, xuất khẩu phải có Giấy phép nên khi tạm nhập tái xuất phải có Giấy phép của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP thì khi tái xuất các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES phải có Giấy phép CITES do cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, khi thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất, các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES phải có 02 Giấy phép do Bộ Công Thương và cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp, gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục tạm nhập tái xuất.

Phương án xử lý là nghiên cứu, đề xuất giao một cơ quan quản lý cấp giấy phép tạm nhập tái xuất đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES để thuận tiện cho việc thực hiện các thủ tục tạm nhập tái xuất.

Đối với quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn, định nghĩa về “chất thải” và “phế liệu” tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa đủ rõ để xác định một số hàng hóa nhập khẩu là phế liệu hay chất thải. Khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 định nghĩa: “Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường định nghĩa: “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”. Trường hợp xác định hàng hóa nhập khẩu là chất thải thì thuộc diện hàng hóa cấm nhập khẩu. Trường hợp xác định là phế liệu thì phải thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, định nghĩa về chất thải và phế liệu của Luật Bảo vệ môi trường nêu trên chưa làm rõ được trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khai báo là bao bì, màng nhựa, dây đai, bao jumbo, lưới đánh cá… đã qua sử dụng, vẫn còn giá trị sử dụng như tính năng sản xuất ban đầu, không sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác là chất thải hay phế liệu. Mặt khác, hiện nay chưa có đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với chất thải và phế liệu dẫn đến khó khăn cho các cơ quan hải quan trong việc xác định một số hàng hóa nhập khẩu là phế liệu hay là chất thải để áp dụng chính sách quản lý phù hợp.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, phương án xử lý vấn đề này là Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý trong quá trình xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng định nghĩa rõ ràng, phân biệt cụ thể về “chất thải” và “phế liệu” để làm cơ sở phân biệt, áp dụng chính sách quản lý phù hợp; Các bộ, cơ quan liên quan quản lý “chất thải” và “phế liệu” ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để xác định chất thải và phế liệu để áp dụng chính sách quản lý phù hợp./.

Hồ Hương