Được sự đồng ý của của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phân ban Việt Nam vừa tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và các phiên họp toàn thể Đại hội đồng APF theo hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội nghị và các phiên họp có đại biểu là các nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành APF, Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và một số tổ chức quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) - Chủ tịch APF Amadou Soumahoro và Tổng Thư ký nghị viện - Nghị sĩ Pháp Jacques Krabal chủ trì Hội nghị. Về phía Việt Nam có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Phân ban Vũ Hải Hà cùng một số đại biểu Quốc hội, Thư ký Phân ban tham dự trực tuyến từ Nhà Quốc hội.
Phân ban Việt Nam tham dự Hội nghị.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Ban Chấp hành APF và các phiên họp toàn thể Đại hội đồng APF là Việt Nam tham gia thảo luận tại Phiên toàn thể Đại hội đồng “Nghị viện các nước Pháp ngữ ứng phó tác động của cuộc khủng hoảng Đại dịch Covid-19, triển vọng cho tương lai ”, tập trung nhấn mạnh thành công của Quốc hội trong năm 2020 thông qua việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép: kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện các biện pháp ứng phó trước tác động tiêu cực của Đại dịch Covid-19, duy trì các hoạt động thường xuyên của Quốc hội, tổ chức các kỳ họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến và tập trung, thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA-41 trực tuyến, hỗ trợ nghị viện các nước trong phòng chống dịch thông qua việc tặng khẩu trang y tế; một số kiến nghị để củng cố hoạt động của APF trong bối cảnh đại dịch.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Vùng châu Á - Thái Bình Dương, Phân ban có báo cáo khái quát về tình hình và hoạt động của Phân ban năm 2020 cung cấp để xây dựng báo cáo của Vùng theo nội dung nghị sự của Hội nghị Ban Chấp hành và Đại hội đồng. Phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng APF-46 với chủ đề: “Nghị viện các nước Pháp ngữ trước tác động của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và triển vọng cho tương lai”, thay mặt Phân ban Việt Nam trong APF, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Đặng Xuân Phương đã gửi tới Ngài Chủ tịch cũng như Ban Tổng thư ký APF lời cảm ơn trân trọng nhất vì những nỗ lực duy trì các hoạt động của tổ chức trong bối cảnh phức tạp của đại dịch và sự đổi mới việc tổ chức kỳ Đại hội đồng theo hình thức trực tuyến.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Đặng Xuân Phương nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 không những là một cuộc khủng hoảng y tế mà còn là cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội sâu sắc với những ảnh hưởng nghiêm trọng trong tất cả các lĩnh vực. Trước bối cảnh và sự tiến triển phức tạp của đại dịch, Việt Nam đã triển khai chính sách mục tiêu kép “phòng chống đại dịch và phát triển kinh tế” và đã đạt được những thành quả tích cực. Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,91% vào năm 2020, đồng thời, nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định với mức lạm phát dưới 4%. Quốc hội Việt Nam đã thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, về các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và những người có thu nhập thấp để vượt qua khó khăn do dịch bệnh, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số... Quốc hội cũng đã có cách tiếp cận đổi mới, sáng tạo để đảm bảo hoạt động cũng như tổ chức các hoạt động trong năm 2020, do đó, hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp, giáp sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Đặng Xuân Phương.
Về tổ chức hoạt động của Quốc hội, kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV được tổ chức làm hai đợt theo hình thức họp trực tuyến và họp tập trung, thể hiện sự thích nghi, linh hoạt với tình hình mới và ứng dụng tối đa các thành tựu của công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội song vẫn duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp. Quốc hội Việt Nam đã thông qua 17 dự án luật và 34 dự thảo Nghị quyết. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc đối với sự pháp triển của Việt Nam trong thời gian tới trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phòng chống dịch bệnh và thiên tai, biến đổi khí hậu.... Đồng thời phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU và việc tham gia Công ước 105 của Tổ chức lao động quốc tế về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Đặng Xuân Phương cho biết: Trong lĩnh vực đối ngoại, năm 2020 Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA). Vì lý do đại dịch Covid-19, Đại hội đồng AIPA-41, lần đầu tiên trong lịch sử của tổ chức, diễn ra trực tuyến từ ngày 8-10/9/2020 theo sáng kiến và dưới sự điều hành của Quốc hội Việt Nam. Trong kỳ Đại hội đồng, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến tổ chức Hội nghị nghị sĩ trẻ AIPA và Hội nghị về đối tác nghị viện về sự phát triển bền vững là cơ chế thường niên được các nước thành viên đánh giá cao và thông qua. Đại hội đồng AIPA41 ghi dấu ấn bằng việc hoạch định tầm nhìn chiến lược của tổ chức thời gian tới đây; đồng thời thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các diễn đàn nghị viện đa phương, khẳng định vai trò của ngoại giao nghị viện trong khu vực và trên thế giới, đóng góp vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.
Trước tình trạng thiếu hụt vật tư y tế tại nhiều nơi giai đoạn đầu của Đại dịch, trong tháng 5/2020, Quốc hội Việt Nam đã tặng hơn một triệu khẩu trang y tế cho hơn 40 Nghị viện trong đó có nhiều nước là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ. Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Đặng Xuân Phương khẳng định: Đại dịch Covid-19 để lại cho chúng ta những tổn thương sâu sắc chưa thể xóa bỏ trong tương lai gần. Nhưng cũng một lần nữa khẳng định tình đoàn kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế để cùng nhau vượt qua những khó khăn và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và tất cả các dân tộc.
Theo Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Đặng Xuân Phương, hướng tới triển vọng về một thế giới ngày mai, Quốc hội Việt Nam đề nghị: Liên minh nghị viện Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (APF) thúc đẩy trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia/nghị viện Pháp ngữ trong phòng chống các tác động tiêu cực của dịch bệnh thông qua các hội nghị, hội thảo trực tuyến. OIF và APF tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi ứng dụng công nghệ số trong đời sống kinh tế xã hội cũng như hoạt động của nghị viện, giảm thiểu sự chênh lệch công nghệ giữa các quốc gia. Phát huy vai trò là tổ chức đa phương toàn cầu, OIF và APF có tiếng nói trên trường quốc tế, ủng hộ bảo đảm vaccin ngừa Covid-19 được tiếp cận một cách công bằng và bình đẳng giữa các quốc gia; hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất vaccin tại các nước đang phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đang giữ cương vị Phó Chủ tịch APF. Trong thời gian gần đây, APF tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác liên nghị viện các nước thành viên với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế đã và đang có những kết quả thiết thực trong việc hỗ trợ các nghị viện khó khăn hoặc mới được tái thiết sau khủng hoảng chính trị; đồng thời thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ đối với các Phân ban thành viên trước những khó khăn do Đại dịch Covid-19 gây ra.
Quốc hội Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
Quốc hội Việt Nam là quan sát viên của Hiệp hội quốc tế các nghị sĩ sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) từ năm 1974 và là thành viên chính thức APF năm 1991. Trong bối cảnh Việt Nam vừa tiến hành công cuộc đổi mới, việc gia nhập AIPLF đã tạo điều kiện mở rộng hoạt động quốc tế tại Cộng đồng Pháp ngữ mà thành viên gồm cả những quốc gia phát triển (Pháp, Canada, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sỹ...) và các quốc gia đang phát triển khu vực châu Phi, châu Á.
Hội nghị Ban Chấp hành APF và các phiên họp toàn thể Đại hội đồng APF được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Năm 1996, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành AIPLF (Ban Chấp hành là cơ quan đại diện cao nhất của tổ chức gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Chủ tịch các Ủy ban, các thành viên được bầu), là hội nghị liên nghị viện quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ năm 1997.
Với vai trò quan trọng và là thành viên tích cực của APF, Quốc hội Việt Nam liên tục được các Phân ban thành viên APF tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch của tổ chức. Kể từ năm 2015, theo đề xuất của ta để tránh Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch APF quá lâu, Vùng đã thực hiện cơ chế luân phiên các vị trí chủ chốt. Theo đó nhiệm kỳ 2015-2017, Việt Nam là Chủ tịch Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong APF; nhiệm kỳ 2017-2019, Việt Nam là thành viên Hội đồng Điều hành mạng lưới nữ nghị sĩ APF; nhiệm kỳ 2019-2021, Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch APF.
Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động quan trọng của APF đã được tổ chức ở Việt Nam như các Hội nghị cấp Ủy ban của APF và các hội thảo chuyên đề như Hội nghị Ủy ban về các vấn đề nghị viện (3/2017), Hội nghị lần thứ 7 Vùng châu Á - Thái bình Dương trong APF (12/2015)... APF cũng đã dành cho Quốc hội Việt Nam dự án nhằm tăng cường ngôn ngữ tiếng Pháp tại quốc gia thành viên thông qua việc tổ chức khóa đào tạo tiếng Pháp, cung cấp phần mềm biên phiên dịch, một số khóa thực tập cho cán bộ nghị viện (Dự án NORIA). APF đánh giá cao hoạt động của Việt Nam, khẳng định thông qua Việt Nam, APF có thể đẩy mạnh hoạt động của APF, tăng cường sự hiện diện của APF và tầm ảnh hưởng của khối Pháp ngữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 2/2019, Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị của Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa (CECAC) và Mạng lưới Nữ nghị sĩ (RF) trong APF./.