HỘI THẢO KHOA HỌC THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

28/01/2021

Sáng 28/01, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của Quốc hội đối với quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách Nhà nước".

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Kiểm toán Nhà nước, Cục Quản lý công sản và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.

Sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó tài sản công được coi là một nguồn lực quan trọng và cần thiết. Do vậy, nếu không đặt vấn đề quản lý tài sản công một cách có hiệu quả thì đồng nghĩa sử dụng nguồn lực to lớn của quốc gia một cách lãng phí. Thực tế cho thấy, hoạt động quản lý sử dụng tài sản công thường nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, hội thảo khoa học nhằm mục đích trao đổi và thảo luận về thực trạng triển khai các chính sách pháp luật về hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài sản nhà nước và vai trò giám sát của Quốc hội. Đồng thời, gợi mở những giải pháp cần thiết để tăng cường và nâng cao hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

Đánh giá về tác động hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc ban hành và thực thi pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công và chú trọng nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện các chính sách đầu tư, khai thác, bảo vệ tài sản công, thực hiện hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính cũng như có chính sách khuyến khích cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước tham gia, nhất là trong hoạt động đầu tư để phát triển tài sản công, nhận chuyển giao quyền đầu tư, khai thác hoặc thuê quyền khai thác tài sản công, cung cấp dịch vụ về tài sản công. Bên cạnh đó, qua hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt, đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành, từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. TS. Nguyễn Minh Sơn cũng nêu lên một số hạn chế về phương thức giám sát; việc thành lập Đoàn giám sát còn gặp khó khăn do thiếu chuyên gia trong lĩnh vực giám sát.;…

Cho ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam cho rằng, giám sát của các cơ quan dân cử không chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách về tài sản công mà cần xem xét trong mối liên hệ giữa tài sản nhà nước với các vấn đề cả kinh tế, chính trị và xã hội. Giám sát của Quốc hội cần tập trung vào các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức kinh tế và cá nhân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và cả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng tài sản nhà nước. PGS. TS Đặng Văn Thanh nêu rõ 04 giải pháp trọng tâm gồm: Cải tiến cách thức làm báo cáo kết quả giám sát; Quan tâm đúng mức tới các kênh thông tin về tình hình tài sản nhà nước hàng năm; Củng cố và tăng cường về tổ chức bộ máy của Quốc hội và bộ máy giúp việc của Quốc hội; Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước trên cơ sở Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán Nhà nước.

Tại hội thảo các đại biểu cũng tập trung thảo luận và cho ý kiến về cơ sở pháp lý quản lý, sử dụng tài sản công; hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở Việt Nam; giám sát tài sản nhà nước hiện nay;… Ý kiến tại hội nghị đã làm rõ thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội đới với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở Việt Nam; đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận và phát biểu thảo luận. Đây là những căn cứ khoa học quan trọng để tiếp tục hoàn thiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước – Thực trạng và giải pháp”. Đồng thời là những đóng góp quý báu cho quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở Việt Nam./.

Lê Anh