THẨM TRA CÁC ĐỀ ÁN THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC CÁC TỈNH BÌNH ĐỊNH, BẮC NINH, HÒA BÌNH VÀ ĐẮK NÔNG

12/01/2021

Trong phiên họp thứ 52, sáng 12/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo Thẩm tra các Đề án thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông.

Toành cảnh phiên họp 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện chương trình công tác và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 29/12/2020, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể theo hình thức trực tuyến để thẩm tra các Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh Đắk Nông và việc thành lập các ĐVHC đô thị thuộc các tỉnh: Bình Định, Hòa Bình và Bắc Ninh theo các Tờ trình của Chính phủ. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về sự cần thiết thành lập các phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũng như việc điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Về tiêu chuẩn, điều kiện: Đối với trường hợp thành lập các phường và thị trấn: căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211, đối chiếu với các đơn vị dự kiến thành lập phường và thị trấn, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các đơn vị đều bảo đảm các điều kiện và đạt các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Đối với trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính: sau điều chỉnh địa giới hành chính, cả 02 ĐVHC cấp huyện và 04/05 ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông không đạt 100% của một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định của Nghị quyết số 1211. Huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút trước và sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đều không đạt tiêu chuẩn về số lượng ĐVHC trực thuộc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới hành chính của các ĐVHC theo Đề án này không làm tăng thêm ĐVHC nên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 thì không phải tính đến các tiêu chuẩn này.  

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục: qua xem xét hồ sơ các Đề án của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, về cơ bản, hồ sơ các Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của HĐND ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết, để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, tại phiên họp thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ thêm một số nội dung:

Về việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua rà soát cho thấy, hiện nay, xã Cát Tiến vẫn còn 09/59 tiêu chí chưa đạt tiêu chí của đô thị loại V. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bình Định quan tâm, có giải pháp xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, khắc phục các tiêu chí chưa đạt, đặc biệt là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng đô thị, tiêu chí về xử lý nước thải, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân sinh sống trên địa bàn và bảo đảm chất lượng đô thị Cát Tiến. Đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bình Định giải trình thêm về việc chênh lệch một số số liệu về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của một số ĐVHC nêu trong Đề án. 

Theo Đề án của Chính phủ, tổng vốn đầu tư phát triển đô thị Cát Tiến đến năm 2025 là khoảng 300 tỷ đồng, trong đó có nguồn khai thác quỹ đất tại chỗ là 200 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bình Định giải trình thêm về nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn này và báo cáo cụ thể hơn về định hướng sử dụng nguồn vốn trong thời gian tới để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, bảo đảm đô thị Cát Tiến tương xứng với vị thế và vai trò là đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn.

Về việc thành lập phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình:

Theo Đề án của Chính phủ, diện tích đất lâm nghiệp của xã Sủ Ngòi (dự kiến thành lập phường Quỳnh Lâm) chiếm tới 74,28%, của xã Trung Minh (dự kiến thành lập phường Trung Minh) chiếm tới 65,33%. Tuy nhiên, trong phương hướng phát triển phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh lại đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 tăng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 48% trở lên (đối với phường Quỳnh Lâm) và 55-60% (đối với phường Trung Minh) . Vì vậy, đề nghị làm rõ thêm thực trạng tỷ lệ độ che phủ rừng trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc địa bàn 02 xã dự kiến thành lập phường và phương hướng, kế hoạch sử dụng các loại đất phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị sau khi được nâng cấp lên phường. 

Hiện nay, trên địa bàn xã Trung Minh vẫn chưa xây dựng được hệ thống thoát nước thải mà chủ yếu xả thải trực tiếp ra môi trường. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương cần sớm có kế hoạch và phương án khắc phục tình trạng nêu trên, bảo đảm vệ sinh môi trường và chất lượng sống của không gian đô thị.

Theo Đề án, phường Quỳnh Lâm được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Sủ Ngòi. Đề nghị lý giải rõ hơn về việc đổi tên gọi “Sủ Ngòi” thành “Quỳnh Lâm” bởi tên gọi Sủ Ngòi đã có lịch sử hình thành từ năm 1957 đến nay.  

Về việc thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc tập trung nhiều làng nghề, đặc biệt ở các xã dự kiến thành lập phường giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết tình trạng thiếu việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động nhưng cũng sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn. Bên cạnh đó, theo Đề án của Chính phủ (trang 20), hiện nay thị xã Từ Sơn đã xây dựng 04 lò đốt rác trong đó có 01 lò ở xã Phù Khê, dự kiến xây dựng thêm 01 lò ở xã Tam Sơn, cùng với 30/62 điểm quy hoạch tập kết rác thải. Do đó, đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần có giải pháp để bảo vệ môi trường, xây dựng các lò đốt rác và quy hoạch các điểm tập kết rác thải không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Việc thành lập 05 phường trên cơ sở nguyên trạng các xã Hương Mạc, Phù Chẩn, Phù Khê, Tam Sơn, Tương Giang là bước chuyển quan trọng từ nông thôn lên đô thị, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn trước. Đề nghị Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cần có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có để đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền ở đô thị.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong 05 khu vực dự kiến thành lập phường của thị xã Từ Sơn thì xã Tam Sơn chỉ đạt 10/12 tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (chưa đạt tiêu chuẩn về Trạm y tế và cấp điện sinh hoạt). Tuy nhiên, trong Đề án của Chính phủ chưa thể hiện rõ định hướng, giải pháp và khả năng bố trí nguồn kinh phí để khắc phục tình trạng này, đề nghị giải trình rõ hơn về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Việc chuyển từ mô hình xã lên phường sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong công tác quản lý đối với lực lượng Công an xã hiện tại. Do đó, đề nghị chính quyền địa phương cần có phương án sắp xếp, bố trí hợp lý lực lượng Công an chính quy cho các phường mới thành lập để bảo đảm hiệu quả trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nhưng không làm tăng biên chế hiện có của Công an tỉnh Bắc Ninh.

Những nội dung Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương báo cáo giải trình nêu trên đã được đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ) giải trình tại phiên họp thẩm tra và ngày 31/12/2020, Chính phủ có Báo cáo số 647/BC-CP giải trình, báo cáo bổ sung với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Ủy ban Pháp luật thống nhất với nội dung giải trình của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũng như việc điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đã bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

 Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; thành lập 02 phường thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; thành lập 05 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và việc điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ.

Trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện về kỹ thuật văn bản đối với các dự thảo Nghị quyết và xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 01/02/2021 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới và phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.  

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, thời gian sắp tới (từ tháng 02 đến tháng 5/2021) là cao điểm phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu ở từng ĐVHC cần căn cứ vào đặc điểm (miền núi, vùng cao, hải đảo), quy mô dân số và số lượng ĐVHC trực thuộc của từng ĐVHC. Đồng thời, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì nhiều công việc liên quan đến bầu cử lại căn cứ theo ĐVHC như thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử (Điều 21), phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử (Điều 9), xác định đơn vị bầu cử (Điều 10), nộp hồ sơ ứng cử (khoản 2 Điều 36)…; một số công việc khác lại liên quan đến quy mô dân số, số lượng cử tri và đặc điểm của các ĐVHC (miền núi, vùng cao, hải đảo). Trong khi đó, theo Nghị quyết số 133/2020/QH14 của Quốc hội thì ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là ngày 23/5/2021 nên các cơ quan, tổ chức hữu quan đang khẩn trương chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm tiến độ theo quy định. Cụ thể, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 07/02/2021), phải hoàn thành việc dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 04/3/2021), Ủy ban bầu cử ở các cấp hoàn thành việc ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị,... Vì vậy, để các cấp, các ngành và chính quyền địa phương yên tâm, tập trung chăm lo công tác bầu cử, tránh gây xáo trộn, phức tạp trong quá trình thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách cử tri, chia đơn vị bầu cử,... do sự thay đổi giữa ĐVHC mới và ĐVHC cũ, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tạm dừng việc xem xét, quyết định các đề án về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã từ tháng 02/2021 đến khi tổ chức xong công tác bầu cử.

Qua rà soát, hiện còn 01 Đề án được Chính phủ gửi đến sau khi Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể (Đề án số 649/ĐA-CP về việc điều chỉnh địa giới ĐVHC giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy thuộc thành phố Hà Nội đề ngày 31/12/2020, Ủy ban Pháp luật nhận được ngày 04/01/2021). Tuy nhiên, do Đề án này có nội dung phức tạp, liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính của nhiều ĐVHC quận, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội nên cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát, thẩm tra kỹ lưỡng, thận trọng trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặt khác, nếu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 02/2021 hoặc tháng 3/2021 thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác chuẩn bị bầu cử như đã nêu trên. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 04 Đề án do Chính phủ trình đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra; đối với Đề án số 649/ĐA-CP nêu trên và các đề án khác được Chính phủ trình thời gian tới (nếu có) thì Ủy ban Pháp luật sẽ tổ chức nghiên cứu, thẩm tra theo quy định và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp sau bầu cử./.

Lan Hương - Minh Hùng

Các bài viết khác