VẪN CÒN NHỮNG TỒN TẠI TRONG GIẢI QUYẾT, XÉT XỬ TỘI PHẠM LIÊN QUAN ĐẾN XÂM HẠI TRẺ EM

16/12/2020

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, vẫn còn những tồn tại trong thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 về giải quyết, xét xử tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em.

 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo một số nội dung

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, trong đó có loại tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em, góp phần giữ vững ổn định, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Việc ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xét xử loại tội phạm này, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đảm bảo áp dụng đúng, thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước cũng như quốc tế. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã quán triệt Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành của Tòa án nhân dân tối cao, liên ngành trung ương; xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; áp dụng các hình phạt và biện pháp tư pháp phải được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành quyết định thành lập Tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên tại 38 Toà án nhân dân cấp tỉnh. Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân mà là thiết chế để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và rút ngắn thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại Tòa án nhân dân.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong thời gian qua, các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, nên hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định. Mức hình phạt mà các Tòa án đã tuyên phạt các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm hại tình dục trong tình hình hiện nay. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như trong cả nước. Việc xét xử các vụ án về tội phạm xâm hại trẻ em đã được các Tòa án tiến hành bảo đảm làm rõ các tình tiết của vụ án nhưng không gây tác động tiêu cực đến tâm lý của người bị hại, nhất là bị hại là trẻ em; bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hoá của dân tộc và các yếu tố liên quan đến bí mật cá nhân theo yêu cầu của gia đình người bị hại.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra rằng, việc giải quyết, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Trong nhiều trường hợp, việc điều tra, truy tố cũng như xét xử đối với các hành vi xâm hại tình dục rất khó khăn; thời gian giải quyết bị kéo dài và có rất nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm. Có nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng gia đình không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cơ quan chức năng; lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến tố cáo, khai báo muộn; hành vi dâm ô đối với trẻ em thường không để lại dấu vết trên thực tế, việc chứng minh tội phạm trong trường hợp này hoàn toàn dựa trên lời khai của trẻ nhỏ; người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại; một số trường hợp người phạm tội là người thân trong gia đình nên việc phát hiện, tố giác, xử lý hành vi xâm hại gặp nhiều khó khăn;.... Khó khăn trong việc xác định tuổi của trẻ em bị xâm hại để làm cơ sở xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Việc tổ chức phương án bảo vệ đối với các phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại trẻ em đang gặp nhiều khó khăn do phải tổ chức trong điều kiện thiếu phòng cách ly có trang bị các phương tiện truyền thông.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc này là: Trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa làm hết trách nhiệm, thiếu sự phối hợp trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội; cơ quan chức năng lấy lý do người bị hại khai báo không nhất quán, chứng cứ dấu vết mờ nên không khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì sợ oan, sai. Công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhà trường và gia đình với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chăm sóc, bảo vệ, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiều trường hợp chưa thật sự hiệu quả, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Việc phát hiện và chứng minh hành vi phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án xâm hại tình dục phụ thuộc nhiều vào lời khai báo của nạn nhân và trong rất nhiều trường hợp, nhất là nạn nhân là trẻ em do chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục, hầu hết nạn nhân đều bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại nên không thể trình báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất. Nhiều gia đình không tố giác tội phạm xuất phát từ tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến tương lai con em mình, sợ dư luận nên tố giác chậm hoặc không tố giác hành vi phạm tội, người phạm tội. Việc tổ chức, thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên; xây dựng phòng xử án thân thiện đã được quy định đầy đủ; tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc vừa thiếu, vừa không đảm bảo chất lượng đã làm hạn chế tính hiệu quả của chủ trương này, cũng như việc bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em là người bị hại trong quá trình xét xử các vụ án xâm hại trẻ em;...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết, xét xử tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, trong thời gian tới các giải pháp cụ thể cần tiếp tục triển khai thực hiện gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đổi mới cả về nội dung và hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em; kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Triển khai xây dựng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, hệ thống trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trẻ em. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em; thống kê tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý hiệu quả hoặc để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em; nghiên cứu xây dựng quy định về điều tra, truy tố thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em. Tăng cường việc bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại; kịp thời đưa nạn nhân đi giám định hoặc phối hợp với cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám chữa bệnh tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, dấu vết phục vụ việc giám định.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình đánh giá các tình tiết của vụ án, nhằm đảm bảo xét xử, giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em đúng pháp luật. Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử các vụ án xâm hại tình dục nhằm tổng hợp những sai sót và vướng mắc để kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho Thẩm phán; đảm bảo tiến hành thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi, giữ bí mật cá nhân, bí mật gia đình...

Ngoài ra, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, cần tiếp tục thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân địa phương. Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất phù hợp với vai trò, nhiệm vụ, chức năng của Tòa gia đình và người chưa thành niên, đảm bảo tính thân thiện. Bố trí Thẩm phán, Thư ký có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình và người chưa thành niên; bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của trẻ em là người bị hại./.

Hồ Hương