Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo một số nội dung
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Ngành Tóa án xác định việc nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị Chánh án Tòa án 04 cấp để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử và tại Hội nghị này đã đề ra 14 giải pháp mà các Tòa án cần tập trung thực hiện nhằm bảo đảm các phán quyết của Tòa án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đảm bảo quyền con người, quyền công dân; không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Với việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp đề ra, chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được bảo đảm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong nhiều năm đều dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra (năm 2015 là 1,35%; năm 2016 là 1,27%; năm 2017 là 1,3%; năm 2018 là 1,09%; năm 2019 là 1,09%; năm 2020 là 1,1%).
Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, về cơ bản đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Nhiều Tòa án địa phương đã chú trọng việc tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp trong công tác, định kỳ họp trao đổi, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật nhằm giải quyết tốt vụ án do đó đã hạn chế việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong giải quyết, xét xử các tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, các Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn như: vụ án Đinh La Thăng, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như,... Đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Đồng thời, cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội nhằm tránh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo việc thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại. Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra nhiều giải pháp như: thường xuyên tập huấn cho đội ngũ Thẩm phán các kiến thức, kỹ năng xét xử vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; phân công Thẩm phán có đủ năng lực, kinh nghiệm để xét xử các vụ án này; tăng cường bồi dưỡng kiến thức về kế toán, tài chính – ngân hàng, ngoại ngữ, tin học; vận động bị cáo và gia đình trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử để nộp lại tiền, tài sản đã chiếm đoạt nhằm khắc phục hậu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi công dân và tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là các tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Bên cạnh đó, trong công tác xét xử các vụ việc dân sự, đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án. Để đảm bảo các vụ việc dân sự không bị hủy để xét xử lại nhiều lần, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử ngay từ cấp sơ thẩm, đồng thời chú trọng làm tốt công tác hòa giải. Đối với cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm, khi hủy án của Tòa án cấp dưới cần phân tích kỹ các sai sót của bản án, quyết định bị hủy, đồng thời chỉ ra định hướng cho giai đoạn tố tụng tiếp theo. Để khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 05/2017/CT-CA ngày 16/10/2017 yêu cầu các Tòa án chủ động, tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát các bản án chưa thi hành, để xác định trách nhiệm của các cơ quan và xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm của Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức tập huấn kỹ năng viết bản án, quyết định cho các Thẩm phán nên đã hạn chế được phần lớn các tồn tại trước đây. Do đó, số lượng bản án mà các Tòa án phải giải thích, đính chính hoặc kháng nghị do bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành đã giảm nhiều so với những năm trước. Trong công tác xét xử các vụ án hành chính, các Tòa án cũng đã quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tính đến ngày 30/9/2020 không còn vụ án hành chính quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của Tòa án. Trong quá trình giải quyết, các Tòa án cũng đã quan tâm làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các vụ án hành chính thường phức tạp; quá trình thực hiện một số quy định của Luật Tố tụng hành chính có những vướng mắc, khiến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài.
Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, trong đó yêu cầu các Tòa án và các đơn vị liên quan tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử các vụ án hành chính cho các Thẩm phán; điều chỉnh cơ cấu chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử phù hợp với đặc thù của việc giải quyết án hành chính; tăng cường công tác giám đốc kiểm tra đối với việc xét xử các vụ án hành chính để kịp thời rút kinh nghiệm các sai sót nghiệp vụ, cũng như tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử loại án này. Về giải quyết các vụ án liên quan tới nợ tiền bảo hiểm xã hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật hình sự; tăng cường chỉ đạo các Tòa án xét xử nghiêm các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chuyên môn nghiệp vụ, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao đề nghị, đối với việc xét xử các vụ án hình sự, cần chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để thống nhất nhận thức đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong áp dụng pháp luật. Đối với những vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, lãnh đạo các Tòa án cần chủ động phối hợp, tiếp cận hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn đầu để nắm chắc các tình tiết, nội dung, thẳng thắn trao đổi những vấn đề cần làm rõ nhằm giải quyết tốt vụ án. Đối với việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, tiếp tục chú trọng làm tốt công tác hòa giải; nắm chắc vụ việc từ đó tham mưu cho cơ quan, người có thẩm quyền về phương án giải quyết tốt nhất để đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương. Khắc phục triệt để việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Ngoài ra, đối với việc xét xử vụ án hành chính, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Chủ động tham mưu cho cấp ủy về pháp luật và nội dung các khiếu kiện hành chính trên địa bàn; tăng cường đối thoại, phân tích những sai sót của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước để họ tự sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính hoặc chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật; đong thời, thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp trong việc rà soát các bản án, quyết định chưa thi hành được để giải thích, đính chính hoặc đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm./.