Ngay từ khi mới ra đời, trong bối cảnh đất nước đứng trước “ngàn cân treo sợi tóc”, cả dân tộc phải gồng mình khắc phục hậu quả chiến tranh và đối diện với 3 loại giặc là giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta đã tổng tuyển cử được Quốc hội khóa I. Trong thời khắc lịch sử như vậy, Quốc hội khóa I đã ban hành được 2 bản Hiến pháp là: Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959. Trong đó, Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện ý chí tự lập, tự cường, tính kỷ cương, kỷ luật của dân tộc Việt Nam tuyên bố hùng hồn với toàn thế giới là đất nước Việt Nam đã có một chế độ chính trị, một Nhà nước độc lập của dân, do dân, vì dân.
Ngày 2/3/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam (Ảnh tư liệu).
Dưới góc độ nghiên cứu, cho đến nay, các nhà luật học vẫn khẳng định: Sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện được tư tưởng cốt lõi nhất về việc xây dựng một chính quyền mới của dân, do dân, vì dân và đó là một thành tựu lập pháp mà Quốc hội Việt Nam mới ra đời đã đạt được. Cũng chính Hiến pháp năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tôn trọng, bảo đảm quyền thực hiện quyền con người, quyền công dân để giúp cho Chính phủ cụ thể hóa các văn bản luật và dưới luật và lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ khắc phục chiến tranh, khôi phục kinh tế, chuẩn bị lực lượng để thực hiện cuộc kháng chiến lâu dài giành giữ độc lập và bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình 75 năm tồn tại, phát triển, Quốc hội không chỉ ban hành Hiến pháp năm 1946 mà còn tiếp tục sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa kịp thời chính sách, đường lối của Đảng theo từng giai đoạn cách mạng. Theo đó, Quốc hội tiếp tục ban hành các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013. Các bản hiến pháp này đều nhấn mạnh đến bảo vệ quyền con người, tạo động lực và niềm tin yêu của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc kiến định về quyền con người, quyền công dân.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Là đại biểu Quốc hội gần 20 năm, liên tục từ khóa XI, XII, XIII, XIV, Nhà sử học Dương Trung Quốc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khẳng định tầm quan trọng của Hiến pháp năm 1946 vì nó được ra đời trong bối cảnh đất nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hiến pháp năm 1946 chú trọng đặc biệt đến việc bảo đảm quyền lợi dân chủ cho nhân dân. Hiến pháp đã xây dựng một chương riêng về quyền công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân được bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Hiến pháp năm 1946 cũng là tiền đề để nước ta thực hiện các bản Hiến pháp sau này và để ban hành các luật cũng như triển các chức năng cơ bản của Quốc hội.
Năm 1953, Quốc hội đã thông qua được Luật Cải cách ruộng đất. Sau đó, đất nước ta bị chia cắt làm đôi nên cho đến năm 1976, nước ta mới có được một Quốc hội thống nhất và thực hiện các chức năng cơ bản trên các phương diện: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Quá trình đó diễn ra trong thời kỳ đất nước đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và trên nhiều lĩnh vực khác. Cho đến công cuộc đổi mới đất nước, Quốc hội mới thực sự song hành cùng với việc hoàn thiện hệ thống luật pháp sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và tình hình trên thế giới.
Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội cân nhắc trên tinh thần trách nhiệm cao
Trong quá trình hoạt động, Quốc hội còn phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao nhất dựa trên tình hình thực tiễn của đất nước cũng như sự biến động trên thế giới. Với hơn 30 năm là cán bộ, giảng dạy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Luật học Nguyễn Thị Báo, nguyên Chánh Thanh tra Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hiện là Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) không thể quên những kỷ niệm gắn với hoạt động của Quốc hội. Đó là ngày 05/3/1979, trong tình thế cấp bách chống lại hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra Lệnh tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến. Đây là Lệnh tổng động viên lịch sử có ý nghĩa rất lớn khiến toàn quân, toàn dân luôn nghĩ tới là cảm thấy phải có trách nhiệm đứng lên bảo vệ Tổ quốc, cống hiến hơn nữa cho đất nước.
Quyết định tổng động viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước được đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 6/3/1979
PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo còn nhớ trong bài xã luận đăng trên báo Nhân dân ra ngày 05/3/1979 nêu rõ: "Lời kêu gọi của Trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của Tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang đi vào cuộc chiến đấu mới: cả nước đánh giặc, toàn dân là lính… 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến. Khi Lệnh tổng động viên được ban bố, cũng trong ngày 05/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân, và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học".
Ngày 07/3/1979, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Chính Lệnh Tổng động viên đã khơi dậy tinh thần yêu nước phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm cho bọn xâm lăng phải chùn bước.
PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo, nguyên Chánh Thanh tra Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hiện là Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Ngày 29/12/1987, Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kỳ họp thứ 2, khóa VIII về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 1986-1990 và năm 1988. Việc ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa lịch sử quan trọng vì đây là thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng theo tinh thần Đại hội VI. Đó là đổi mới toàn diện thật sự là "ý Ðảng, lòng dân". Nghị quyết Ðại hội VI vào cuộc sống là quá trình thể nghiệm, tìm tòi, từng bước cụ thể hóa, phát triển và tổ chức thực hiện những định hướng lớn. Ðảng và Nhà nước vừa tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội cấp bách, giữ vững ổn định chính trị, vừa thực hiện đổi mới các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nghị quyết của Quốc hội cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, bổ sung các biện pháp, chính sách và tổ chức chỉ đạo, điều hành kế hoạch nhằm thực hiện bằng được mục tiêu ổn định một bước tình hình kinh tế - xã hội, giảm bớt khó khăn cho đời sống những người lao động, nhất là cán bộ, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang. Là cơ sở để Hội đồng Bộ trưởng gấp rút ban hành các cơ chế chính sách để giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát triển mạnh sản xuất hàng hoá của các thành phần kinh tế, trước hết tập trung cho ba chương trình kinh tế, đặc biệt là chương trình lương thực, thực phẩm. Nghị quyết cũng góp phần đổi mới công tác kế hoạch hoá, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh Xã hội Chủ nghĩa và mở rộng kinh tế đối ngoại; tăng cường quyền lãnh đạo và quản lý tập trung thống nhất của Trung ương, phát huy tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của địa phương, quyền tự chủ sản xuất kinh doanh và quyền làm chủ của quần chúng ở cơ sở.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đổi mới tổ chức cán bộ, tinh giản biên chế bộ máy hành chính từ 20 - 30%; mở rộng dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự kỷ cương trong đời sống kinh tế và xã hội. Trong nghị quyết Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tham gia mua công trái, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số dưới 2%, thực hiện cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết cũng xây dựng, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ở mọi ngành, mọi cơ sở, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi và thiết thực phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1988, tạo đà thuận lợi cho bước phát triển các năm tiếp theo.
Ngày 23/5/2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng rộng Hà Nội số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2008. Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008 - 01/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội có thêm không gian quy hoạch phát triển một thủ đô văn minh, hiện đại, với tầm nhìn không chỉ 20 - 30 năm mà còn dài hơn nữa.
Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
Tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển cả về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, cùng với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm của Thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Việc mở rộng địa giới hành chính cũng giúp Thủ đô Hà Nội gắn với không gian rừng núi trung du Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh, đem lại thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài.
Ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Với việc ban hành Đề án này, Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và dành sự quan tâm đến những vùng kinh tế còn khó khăn. Gần đây nhất, Quốc hội đã quyết sách nhiều vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo “không có ai bị bỏ lại phía sau” như phê chuẩn Đề án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với với tầng lớp nhân dân còn khó khăn, đúng theo tinh thần phát triển kinh tế bao trùm, đặc biệt quan tâm đến đối tượng yếu thế.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội của 4 khóa IX, X, XI, XII, trong đó có 2 khóa là đại biểu chuyên trách phụ trách mảng Kinh tế, khoa học công nghệ và môi trường, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên không thể quên một trong những quyết định sáng suốt của Quốc hội về cao trình đập Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Năm 2002, khi thảo luận về cao trình của đập Thủy điện Sơn La, Chính phủ đưa ra 3 phương án. Theo đó, phương án 1 - Sơn La cao (mực nước trung bình 265m). Phương án 2 - Sơn La trung bình (mực nước trung bình 215 m). Phương án 3 - Sơn La thấp (mực nước trung bình 205 m).
Quốc hội đã quyết định chọn độ cao của đập Thủy điện Sơn La phải đảm bảo tính an toàn ở mức cao nhất.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Qua thảo luận, tranh luận gay gắt và lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, chuyên gia các ngành là phải đảm bảo tính an toàn ở mức cao nhất của đập thủy điện, Quốc hội đã quyết định chọn độ cao của đập Thủy điện Sơn La ứng với mức nước dâng trung bình của hồ chứa từ 205m đến 215m, không vượt quá 215m.
Một sự kiện khác là năm 2010, Quốc hội đã không chấp nhận phương án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định đúng đắn vì thời điểm đó, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu kéo dài từ năm 2008 đến năm 2014 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta. Nếu thời điểm đó mà Quốc hội đồng thuận xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này thì nợ công và những hệ lụy sẽ khó lường.
Năm 2010, Quốc hội đã không chấp nhận phương án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh vì thời điểm đó, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu kéo dài từ năm 2008 đến năm 2014 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta.
Đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có ý kiến. Quốc hội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư 1 lò phản ứng điện hạt nhân ở Ninh Thuận nhưng trong nội dung Nghị quyết của Quốc hội đề cập rất chặt chẽ quy trình, trách nhiệm thực hiện và định kỳ báo cáo Quốc hội tại mỗi phân đoạn đầu tư, chứ không phải Quốc hội thông qua một cách dễ dàng. Trong Nghị quyết đánh giá khách quan những điểm tích cực và hạn chế, hệ quả khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đặt tại tỉnh Ninh Thuận – một địa phương nghèo của đất nước.
Nhiều hoạt động của Quốc hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
Không chỉ ngày càng không ngừng nâng cao chất lượng của hoạt động lập pháp, giám sát, sáng suốt quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong suốt 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận ở nhiều lĩnh vực, hoạt động.
PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo nhận định: Tại Kỳ họp Đại hội đồng Đại hội đồng Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO 19) diễn ra vào tháng 8/1998, Quốc hội Việt Nam đề xuất sáng kiến đăng cai tổ chức tại Hà Nội Hội nghị chuyên đề về "Vai trò của cơ quan lập pháp trước cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ”. Sáng kiến này được Quốc hội các nước đặc biệt hoan nghênh và đánh giá rất cao Việt Nam, dù là thành viên mới đã chủ động nêu cao vai trò và trách nhiệm, đứng ra cùng chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ chung vì lợi ích của tất cả các quốc gia khu vực.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO 2002 chủ trì phiên họp Ủy ban chấp hành AIPO 23 tại Hà Nội.
Năm 2002, Quốc hội Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch AIPO lần đầu tiên, đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 23; tổ chức hai hội nghị chuyên đề nổi bật. Đó là Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban chuyên đề về phòng, chống ma túy khu vực (AIFOCOM) diễn ra tháng 1/2002; Hội nghị chuyên đề về công tác tổ chức, đổi mới hoạt động của AIPO và lập “Giải thưởng cống hiến phục vụ AIPO” vào tháng 6/2002. Những sự kiện chính trị quan trọng này đã khẳng định vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế và được bạn bè trên thế giới đánh giá cao.
Đến năm 2020, Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Từ ngày 8 – 10/9/2020, lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA và đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được tổ chức theo hình thức trực tuyến ứng phó với đại dịch COVID-19, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, được Nghị viện các nước thành viên AIPA, các nghị viện quan sát viên AIPA ghi nhận và đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung, Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường Quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì họp báo kết quả Đại hội đồng AIPA 41.
Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam đã tham gia đóng góp và đồng bảo trợ các nghị quyết ủng hộ bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, hỗ trợ người khuyết tật và vì môi trường bền vững trong AIPA; đề xuất nhiều sáng kiến nhằm phát huy vai trò của phụ nữ nói chung và các nữ nghị sĩ nói riêng. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tích cực ủng hộ và thúc đẩy AIPA, cũng như các nghị viện thành viên triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại mỗi quốc gia cũng như trên toàn khu vực.
Mặt khác, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều sáng kiến cụ thể, đóng góp vào quá trình sửa đổi Điều lệ của AIPA, củng cố bộ máy, tổ chức, thủ tục quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPA cũng như nhiều lĩnh vực, hoạt động khác được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chụp ảnh với các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41.
Trong 75 năm xây dựng và phát triển, Quốc hội đã và đang không ngừng thực hiện tốt việc phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới cũng như thực hiện các chức năng cơ bản về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động của Quốc hội cũng còn những hạn chế, bất cập. Vậy những bất cập, hạn chế đó là gì và cần có những giải pháp nào để giải quyết? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ đề cập đến nội dung này ở bài tiếp theo./.