Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Phát biểu trước Quốc hội về vấn đề thủy điện và liên quan đến môi trường trong dự án thủy điện, trước ý kiến của đại biểu đánh giá là các dự án thủy điện đều có 2 mặt tích cực và hạn chế và đặt câu hỏi dự án nào coi là chủ đạo và dự án nào là tính tạm thời, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện có những quy trình về pháp luật, pháp lý rất quan trọng và rất bài bản để quản lý các dự án đầu tư, để đảm bảo được hiệu quả của các dự án. Cụ thể, căn cứ theo Luật Đầu tư có báo cáo về kinh tế, kỹ thuật bên cạnh đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những nhân tố này là những nhân tố cơ bản để giúp cho các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đánh giá dự án, dự án nào là chủ đạo và có hiệu quả hay không và mức độ tác động tiêu cực. Không chỉ dừng ở đó, các dự án này phải được thỏa mãn cả những giải pháp và biện pháp để khắc phục và giảm bớt những hạn chế, tiêu cực để khai thác tốt những ưu thế, lợi ích.
Liên quan đến các vấn đề về quản lý đất, nhất là trong xâm dụng đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, trên thực tế đối với các dự án thủy điện, đầu tiên phải bổ sung quy hoạch. Việc bổ sung quy hoạch xuất phát từ địa phương và địa phương đều phải căn cứ theo các Thông tư hướng dẫn như là Thông tư 43 của Bộ Công Thương hướng dẫn về việc xem xét các dự án thủy điện. Trong đó, nói rõ tiêu chí để sử dụng đất, nếu như vượt quá 10 hecta đất cho 1MW thì không được xem xét; hoặc đất rừng tự nhiên không được xem xét. Vì vậy, khi bố trí để bổ sung vào quy hoạch phải làm thủ tục để xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Công an và nhiều cơ quan khác để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên trong các quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, bổ sung quy hoạch là chú trọng đầu tiên, sau đó quy trình đầu tư bao gồm cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư và sau đó là quản lý dự án đầu tư. Điều này căn cứ trong các luật định từ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các luật có liên quan đều có hướng dẫn cụ thể và các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm, đặc biệt là tại địa phương để kiểm tra việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Trong đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án là một quy định rất quan trọng để giúp các cấp thẩm quyền đầu tư xem xét thông qua, để đảm bảo rằng các quy định của pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến môi trường được đảm bảo.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Về các thủy điện đã hết khấu hao, hết vòng đời của dự án, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, căn cứ theo Điều 118 và Điều 127 của Luật Xây dựng, Nghị định 46 liên quan đến Luật Điện lực có hướng dẫn: “Khi các dự án thủy điện hết vòng đời của dự án thì phải thực hiện những yêu cầu của luật định”. Trong đó báo cáo về đánh giá chất lượng của giữa các hồ đập cũng như các hướng sử dụng hoặc là tháo dỡ. Trong đó, có yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ và cả các phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Liên quan đến xử lý tấm pin quang điện, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ngay quyết định của Thủ tướng trong phiên họp từ ngày 07/02/2020, đã có quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn. Hiện nay tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện, trên thực tế chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường thì các nhà cung cấp cho các tấm pin quang điện đều có những hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án pin mặt trời, các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý các vi mạch điện./.