QUỐC HỘI NGHE TIẾP THU, GIẢI TRÌNH VÀ CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

23/10/2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 23/10, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đã có 94 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở Tổ và 17 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường. Qua thảo luận cho thấy, về cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến và yêu cầu Cơ quan soạn thảo gửi bổ sung báo cáo, giải trình để chỉnh lý dự thảo Luật ; đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 46 (tháng 7/2020) để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện sau khi có ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do vậy, để tránh trùng lắp, xin phép Quốc hội không nhắc lại quy định này trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, để bảo đảm rõ hơn về chủ trương đưa người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc tại các thị trường lao động có thu nhập cao, tiếp thu thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, tránh tình trạng chỉ đưa lao động phổ thông đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự thảo Luật đã bổ sung tại Điều 4 quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thị trường lao động; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về”. Đồng thời, Điều 75 của dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết để cụ thể hóa chính sách này.

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật hiện hành quy định, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trong đó có điều kiện về  “vốn pháp định” thì mới được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thuật ngữ “vốn pháp định” được sử dụng trong Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành không còn sử dụng thuật ngữ này, nên dự thảo Luật đã điều chỉnh từ “vốn pháp định” thành “vốn chủ sở hữu” – là thuật ngữ được sử dụng trong Luật kế toán , thể hiện đầy đủ về năng lực tài chính của doanh nghiệp, là nguồn vốn thực tế của chủ sở hữu (tổng tài sản sau khi trừ hết các khoản nợ phải trả). Với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, thì các điều kiện bảo đảm hoạt động và năng lực tài chính của doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động, nhất là khi liên quan đến người lao động và việc quy định về vốn chủ sở hữu sẽ chặt chẽ và khả thi hơn “vốn điều lệ” (theo quy định của Luật Doanh nghiệp là nguồn vốn được được ghi trên giấy phép kinh doanh, là tổng số vốn góp của tất cả các thành viên ). Thực tế cho thấy, việc quy định mức vốn 5 tỷ đồng như hiện hành là mức tối thiểu có thể bảo đảm yêu cầu về quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động làm việc ở nước ngoài, đây cũng là kinh nghiệm của một số nước trong việc quy định về năng lực tài chính của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được giữ như dự thảo Luật.

Toàn cảnh Phiên họp

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, từ tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn (chính trị, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh...) và các nguy cơ có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, thì việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời (hỗ trợ hồi hương, khắc phục rủi ro, tai nạn, giải quyết tranh chấp, ...), bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là rất cần thiết và là trách nhiệm trước hết chính từ doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động thông qua việc đóng góp vào Quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được giữ quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm khắc phục những tồn tại hạn chế mà Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14  đã chỉ ra, đồng thời bảo đảm phù hợp với tính chất của Quỹ do người lao động và doanh nghiệp đóng góp, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã: bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các nhiệm vụ chi của Quỹ chỉ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; bảo đảm không trùng lặp nhiệm vụ chi của hoạt động quản lý nhà nước, nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp; quy định nguyên tắc việc có cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài... và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; quy định về tổ chức hoạt động của Quỹ, việc quản lý, sử dụng, chi phí quản lý Quỹ, mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp, của người lao động, mức chi đối với các nhiệm vụ quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật và đã thể hiện trong các điều 67, 68 và 69.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngoài 22 nội dung cụ thể tại 29 điều, khoản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc rà soát tiếp thu, chỉnh lý tại 39 điều khác ở tất cả các chương của dự thảo Luật. Đồng thời, đã tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Luật để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội bảo đảm rõ ràng về văn phong, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 08 Chương và 76 điều giảm 03 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (bãi bỏ 05 Điều, bổ sung mới 01 Điều và tách 02 Điều). So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 34 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trên cơ sở Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

Hồ Hương- Bùi Hùng

Các bài viết khác