Tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế và thống nhất cho rằng: việc ban hành Luật sẽ góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và cho rằng quá trình tiếp thu các ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 9 đến nay đã rất kỹ càng, thận trọng, chu đáo và các vấn đề tiếp thu, giải trình thuyết phục và bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi xem xét thông qua, các đại biểu đã tập trung thảo luận về khái niệm thỏa thuận quốc tế, về bên ký kết Việt Nam, về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, trình tự thủ tục rút gọn và một số vấn đề khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp
Về phạm vi điều chỉnh và khái niệm thỏa thuận quốc tế, nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh và khái niệm thỏa thuận quốc tế đã được tiếp thu, chỉnh lý như trong dự thảo luật; cũng có ý kiến đề nghị về phạm vi điều chỉnh nên bổ sung thêm một số cụm từ cho phù hợp hơn với bố cục và nội dung của dự thảo luật.
Về bên ký kết Việt Nam, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đồng ý với nội dung của dự thảo luật là đối với cấp xã là chỉ mở rộng đến các đơn vị cấp xã thuộc khu vực biên giới với những điều kiện, phạm vi nhất định; cũng có ý kiến của một vài đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế như là các bệnh viện, các học viện và trường đại học.
Về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, các đại biểu Quốc hội nhất trí quy định về các nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế như trong dự thảo luật, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm một số nội dung cho chặt chẽ hơn.
Về trình tự, thủ tục rút gọn, đa số ý kiến nhất trí quy định cụ thể về trình tự, thủ tục rút gọn, ký kết thỏa thuận quốc tế, nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của các tổ chức như tại dự thảo luật. Ngoài ra, có một số ý kiến góp ý về một số nội dung khác và kỹ thuật lập pháp.
Cân nhắc quy định về chủ thể là Ủy ban nhân dân cấp xã trong ký kết thỏa thuận quốc tế
Phát biểu từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định mà bên ký kết Việt Nam là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, đa số cán bộ phụ trách công tác pháp chế tại các cơ quan này đều là kiêm nhiệm, nên quy định tại khoản 4 Điều 5 "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, nhân danh cơ quan đó, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới" là không phù hợp và khó khả thi. Hơn nữa, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 lại không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới trong việc ký kết các thỏa thuận quốc tế. Do đó, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu để quy định phù hợp với các luật có liên quan.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị việc quy định về thẩm quyền, quyết định ký thỏa thuận quốc tế thì cũng cần phải xem xét một cách cụ thể, vì nếu mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế đến cấp xã sẽ rất khó để thực hiện, bởi quan hệ quốc tế là một vấn đề rất lớn. Trong khi đó, thực tế ở cấp xã, bộ máy giúp việc thì năng lực, kiến thức cũng như trình độ tham mưu cho lãnh đạo trong công tác đối ngoại cũng còn nhiều hạn chế. Cho nên, tôi đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này đối với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Có cùng đề nghị về việc cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân xã khu vực biên giới, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, chính quyền cấp xã ở khu vực biên giới, đặc biệt ở biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, trong khi quan hệ quốc tế sâu rộng hướng tới tương lai rất nhạy cảm và đa dạng. Về đối ngoại quốc phòng an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu cho chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định. Do đó không phải là cơ quan, tổ chức nào cũng được giao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Do đó, đại biểu đề nghị dự luật lần này chỉ dừng lại ở cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên thì mới được ký thỏa thuận quốc tế, phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.
Cần thiết lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế
Theo đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, các trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế đều bắt buộc phải lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao là cần thiết. Quy định này sẽ nhằm đảm bảo các thỏa thuận quốc tế được ký kết là phù hợp với chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia khác và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết khác của nhà nước đối với quốc tế. Tuy nhiên, mặt khác thỏa thuận quốc tế không chỉ là yêu cầu phải phù hợp với chính sách đối ngoại mà còn phải đảm bảo có tính hợp hiến, hợp pháp đối với pháp luật đối nội. Do đó, việc lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp của các thỏa thuận quốc tế cũng hết sức cần thiết hay lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về pháp luật ở các cấp. Do đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị trong quy định về việc lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong trình tự, thủ tục để thực hiện ký kết thỏa thuận quốc tế nên lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tham mưu, tư vấn về luật pháp ở các cấp cho đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ lưu ý quy định hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế. Theo đó, có quy định nội dung về xin ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức liên quan đối với các chủ thể ký quy định tại Mục 1 đến Mục 5, đặc biệt chủ thể là nhân danh cơ quan bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Trường hợp nếu cơ quan được lấy ý kiến không đồng ý thì phải trình Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu cho rằng nghĩ rằng quy định như vậy là khá nhiều thủ tục hành chính và cần thời gian. Trong bối cảnh muốn mở rộng hội nhập với thế giới thì việc ký thỏa thuận cần được mở rộng, giảm thủ tục xin ý kiến. Dại biểu đề nghị dự án luật quy định giao cho Chính phủ ban hành quy định những lĩnh vực nào cần phải xin ý kiến Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan, về thỏa thuận và các lĩnh vực khác thì giao cho chủ thể thỏa thuận thẩm quyền quyết định.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang
Trong khi đó góp ý về trình tự sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế tại khoản 2 Điều 33 và trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, quy định tại khoản 3 Điều 34 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng dự thảo luật quy định “thực hiện tiến hành tương tự trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại luật này” là chưa thực sự phù hợp, bởi mỗi chế định đều phải có căn cứ, phạm vi, nội hàm thực hiện nhiệm vụ, ngoài những việc chung như ký kết thỏa thuận quốc tế, bên cạnh đó có thể phát sinh những vấn đề như những bất đồng, những mâu thuẫn hoặc tranh chấp dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung, gia hạn hoặc chấm dứt hiệu lực cũng như rút khỏi hay tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế này. Như vậy để việc triển khai thực hiện nội dung này thống nhất và thuận lợi, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cần quy định rõ căn cứ, nội dung và nội hàm của từng thủ tục thực hiện thỏa thuận quốc tế để có cơ sở pháp lý cho các nội dung này thực hiện có hiệu quả.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào đợt 2 của kỳ họp này./.