Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu quốc hội và và ý kiến tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Cụ thể:
Về sự cần thiết ban hành Luật, các ý kiến đại biểu quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế và thống nhất cho rằng: việc ban hành Luật sẽ góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đối với phạm vi điều chỉnh (Điều 1), một số ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị xác định phạm vi điều chỉnh của Luật không bao gồm các thỏa thuận quốc tế về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về việc viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài, về vốn hỗ trợ chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; về hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng theo pháp luật dân sự.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng các nội dung trên sẽ được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành.
Về khái niệm thỏa thuận quốc tế (khoản 1 Điều 2). một số ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị làm rõ hơn khái niệm thỏa thuận quốc tế để có thể phân biệt được với điều ước quốc tế và tránh chồng chéo với các quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; có ý kiến đề nghị nghiên cứu coi thỏa thuận quốc tế là các quan hệ dân sự, hành vi dân sự, không mang tính chất kinh doanh thương mại.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, chỉnh lý khái niệm thỏa thuận quốc tế như sau: “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế”.
Về bên ký kết Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Uỷ ban Thường vụ xin báo cáo như sau: Việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã, trong đó có các xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, dự thảo Luật quy định việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ mở rộng đến Uỷ ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; đồng thời để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung Uỷ ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới được ký như: về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về việc ký kết thỏa thuận quốc tế đối với Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.
Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế gồm: đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan cấp huyện của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các tổ chức khoa học công nghệ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các hiệp hội, ngành, nghề.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm: tùy nội dung ký kết, các văn bản thỏa thuận của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật chuyên ngành quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đó điều chỉnh. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ký thỏa thuận quốc tế chỉ quy định đến cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là phù hợp.
Nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị bổ sung chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế gồm Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, bổ sung các chủ thể này vào điểm b khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị làm rõ quy định của dự thảo Luật không cho phép cá nhân Việt Nam ký kết thỏa thuận quốc tế trong khi cá nhân nước ngoài là một trong những chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế với Việt Nam.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định cá nhân nước ngoài là một trong những bên ký kết nước ngoài trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh năm 2007. Theo tổng kết thực tiễn thực hiện Pháp lệnh năm 2007 đến nay chưa phát sinh vướng mắc. Quy định này nhằm tận dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Về ký kết thỏa thuận quốc tế, một số ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị rà soát quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế tại dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về việc quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan, tổ chức để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thẩm quyền của các chủ thể ký kết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm sự thống nhất về quy trình, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế; rà soát quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, các luật có liên quan khác và đã chỉnh lý Chương II dự thảo Luật.
Về chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, có ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị bổ sung các trường hợp chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định tại thỏa thuận quốc tế hoặc trong quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại dự thảo Luật hoặc khi ký kết với nước ngoài vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận quốc tế. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo Luật bổ sung quy định thỏa thuận quốc tế có thể bị chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ theo quy định tại thỏa thuận quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài và bổ sung quy định theo đó bên ký kết Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực hoặc rút khỏi thỏa thuận quốc tế nếu quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế nếu có sự vi phạm một trong các nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế tại khoản 1, khoản 2 Điều 34.
Đối với quy định chuyển tiếp, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp do Luật này quy định về trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 52.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, ngoài những nội dung đã báo cáo tiếp thu, giải trình trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý một số nội dung cụ thể và kỹ thuật lập pháp tại toàn bộ dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương, 52 Điều. Cụ thể: Bỏ quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng cục, cục thuộc Bộ; cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã; bỏ quy định về trách nhiệm của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện thỏa thuận quốc tế do các nội dung này sẽ được quy định tại Nghị định hướng dẫn chi tiết của Chính phủ và bỏ quy định xử lý vi phạm theo hướng tùy theo tính chất, hành vi vi phạm sẽ áp dụng pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, sau khi rà soát kiến nghị bổ sung chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế là Văn phòng Chủ tịch nước và quy định cụ thể về trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức từ Điều 36 đến Điều 39 dự thảo Luật./.