Toàn cảnh Phiên họp
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều vấn đề về tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng; nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng Điều; quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới… Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản cho phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 06 chương, 36 điều.
Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp thứ 9 cũng như giải trình và tiếp thu, chỉnh lý về chính sách ưu tiên cấp đất, nhà ở xã hội cho gia đình cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu dài tại khu vực biên giới; quy định về nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới quốc gia vào dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Chương phát biểu
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Chương- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, quan tâm về vị trí chức năng của Bộ đội biên phòng. Đại biểu cho rằng, việc chỉ định lực lượng chuyên trách làm nòng cốt là thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị, phù hợp với Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh biên giới năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Quốc phòng năm 2018 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (sửa đổi năm 2019). Do vậy, bộ đội biên phòng giữ vai trò nòng cốt, chủ trì là hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra rằng, ở khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, an ninh riêng mà căn cứ vào đó Bộ đội biên phòng thực thi nhiệm vụ của mình, những quy định đó có sự khác biệt với an ninh nội địa. An ninh biên giới, trật tự biên giới do Bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm giữ vai trò chủ trì là đúng, có nhiệm vụ nào cần phối hợp với lực lượng công an thì chắc chắn rằng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của 2 lực lượng này không chồng chéo lên nhau. Theo nguyên tắc này thì ở các cấp chính quyền địa phương cũng đều phải có quy chế phối hợp hoạt động.
Cũng tham gia phát biểu trực tuyến, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, quan tâm đến nội dung trách nhiệm và chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức công dân tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 7. Đại biểu chỉ ra rằng, ở khoản 3 có đặt vấn đề là cơ quan, tổ chức, công dân khi tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng có thành tích được khen thưởng bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù.
Theo đại biểu, chúng ta nên cân nhắc đặt vấn đề đền bù hay bồi thường. Bởi vì 2 khái niệm này khác nhau, nếu bồi thường, tức là bồi thường toàn bộ thiệt hại, còn đền bù là chỉ bù đắp một phần thiệt hại. Khi làm Luật Dự bị động viên đã đặt vấn đề này ra là đền bù hay bồi thường. Dự thảo ban đầu thì nói là đền bù, sau đó thảo luận, đến khi Quốc hội quyết định bồi thường, chứ không phải là đền bù. Như vậy, trong Luật Dự bị động viên là khi huy động phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được bồi thường. Phương tiện kỹ thuật huy động ở trong Luật Dự bị động viên cũng là tài sản của công dân. Khoản 2 Điều 23 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản nói là phương tiện kỹ thuật cũng là tài sản. Do đó, theo đại biểu nên quy định ở Dự án Luật này là bồi thường cho phù hợp, đồng bộ với Luật Dự bị động viên.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho ý kiến
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đưa ra quan điểm liên quan đến quy định Bộ đội biên phòng được quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, tại khoản 3 Điều 14 của Dự án Luật. Đại biểu bày tỏ sự tán thành với quy định này bởi: theo quy định tại Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong số 51 tội phạm Bộ đội biên phòng điều tra ban đầu có tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cũng trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, tại Điều 33 quy định hải quan có thẩm quyền điều tra ban đầu 3 tội phạm, trong đó có tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Như vậy, cả Bộ đội biên phòng và hải quan đều có thẩm quyền điều tra ban đầu 2 tội phạm nêu trên. Bên cạnh đó, đại biểu phân tích, luật hóa thẩm quyền của Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu chỉ là phương thức bảo đảm cho cơ quan này thực hiện nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, xử lý hành vi vi phạm tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà không vô hiệu hóa thẩm quyền của hải quan.
Mặt khác, đồng thời với việc có lực lượng trinh sát thì việc cho phép Bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu sẽ là một chính sách hữu hiệu để xử lý hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển vũ khí, ma túy qua biên giới. Xét về mục đích kiểm tra, kiểm soát giữa Bộ đội biên phòng và hải quan là hoàn toàn khác nhau. Hải quan kiểm tra, kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh xem có đầy đủ giấy tờ xuất, nhập khẩu theo đăng ký hay không. Còn Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát đảm bảo về an ninh đối với hàng hóa, phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và cửa khẩu.
Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về cơ bản các nội dung của Dự án Luật được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất nhiều nội dung đã được chỉnh sửa theo góp ý của đại biểu Quốc hội. Các quy định đã bám sát chủ trương, chính sách lớn, tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng lực lượng Bộ đội biên phòng ngày càng lớn mạnh, phù hợp với tình hình mới; các nội dung cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp theo quy trình./.