CÂN NHẮC QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ, TẠM TRÚ ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO CƯ TRÚ CỦA CÔNG DÂN

21/10/2020

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, vấn đề được nhiều đại biểu góp ý là các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú, điều kiện đăng ký tạm trú. Các ý kiến cho rằng Ban soạn thảo cần rà soát các quy định trong Dự thảo nhằm đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân.

Không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, đảm bảo quyền cơ bản của công dân.

Cho ý kiến về điều kiện đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đa số đại biểu tán thành không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương và cho rằng, việc triển khai quy định như Luật hiện hành trên thực tế chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú, chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn. Hậu quả là khó khăn cho công tác quản lý tạm trú và kiểm soát an ninh, trật tự tại địa phương; cùng với đó hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là quyền học tập của trẻ em, quyền chăm sóc y tế đối trường hợp không có nơi thường trú hợp pháp đặc biệt tại các thành phố lớn.

Để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về tốc độ gia tăng dân số cơ học quá nhanh, vượt quá khả năng đáp ứng các dịch vụ công thiết yếu của chính quyền đô thị, các đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nên tập trung vào các giải pháp có tính tổng thể về quy hoạch, về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, các đô thị vệ tinh, bảo đảm cân đối về phân bổ nguồn lực, thực hiện nghiêm việc di dời các nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành, không xây dựng các khu chung cư tập trung cao tầng ở khu vực nội thành… và hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, có tính chất phân biệt đối xử giữa các vùng, miền, nông thôn, đô thị.

Toàn cảnh phiên họp cho ý kiến vào Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu để nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.

Về diện tích tối thiểu quy định tại điểm b khoản 3, Điều 20 vẫn còn có 2 ý kiến khác nhau. Phương án 1: Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Phương án 2: Đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 01 năm trở lên.

Cho ý kiến về quy định này, Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Mức diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 tại các địa phương và phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, đề nghị bổ sung quy định nhằm đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu cho cư dân sinh sống trên địa bàn. Mỗi tỉnh, thành phố có mức gia tăng dân số cơ học khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó, việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh quy định diện tích tối thiểu nhằm phù hợp với từng địa phương; đồng thời, cũng nên quy định hạn mức tối thiểu áp dụng chung cho cả nước là 08m2 sàn/người trở lên.

Góp ý về nội dung này một số đại biểu đề nghị quy định ngay trong Luật diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, mà không giao cho Hội đồng nhân dân quy định mức cụ thể áp dụng ở từng địa phương, để bảo đảm quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều, thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.

Đại biểu Phạm Trí Thức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Trí Thức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề nghị không nên quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu như Dự thảo Luật vì quy định này không bảo đảm tính bình đẳng về quyền con người, quyền công dân, không đảm bảo thống nhất về mặt kỹ thuật trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nếu căn cứ vào mục tiêu trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức sàn không thấp hơn 08m2 sàn/người. Đây là chiến lược và là mục tiêu mà chúng ta hướng tới, còn trên thực tiễn chưa có tổng kết về vấn đề này. Đại biểu nêu thực tế tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội diện tích trung bình trên đầu người ở những khu phố cổ có nơi không đến 04m2 sàn/người. Ngay cả các nước phát triển nhất như ở thủ đô London (Anh), Tokyo của Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng có rất nhiều căn hộ chỉ có 04m2 sàn/người. Do vậy, nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ không đảm bảo quyền con người, quyền công dân và không bảo đảm bình đẳng về quyền cư trú của công dân.

Cho ý kiến về quy định xóa đăng ký thường trú (Điều 24), xóa đăng ký tạm trú (Điều 29), đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đồng tình với quy định về xóa đăng ký thường trú để tăng cường tính chặt chẽ trong công tác quản lý cư trú, tránh tình trạng cư trú “ảo”. Đại biểu đề nghị đề nghị cần xem xét thận trọng các trường hợp xóa đăng ký thường trú bởi có thể dẫn đến việc công dân không còn thông tin về nơi thường trú, ảnh hưởng đến người dân khi thực hiện các quyền và thủ tục hành chính có liên quan.

Còn theo đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bổ sung 04 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, trong đó điểm d quy định: “Vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng…”. Đại biểu đề nghị nên cân nhắc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này nhằm hạn chế tình trạng công dân Việt Nam hết án phạt tù có thời hạn sau khi chấp hành án xong, tái hòa nhập cộng đồng không có nơi thường trú; hoặc trong trường hợp công dân đi lao động, học tập ở nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ đăng ký thường trú. Quy định như trong dự thảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận không nhỏ công dân Việt Nam đang lao động, học tập ở nước ngoài nhưng có chỗ ở hợp pháp và quốc tịch Việt Nam trước khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực. Nếu Dự thảo Luật bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú với trường hợp vắng mặt từ 12 tháng trở lên liên tục thì cần phải có thêm quy định khôi phục đăng ký thường trú đã xóa để bảo đảm quyền cư trú của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật Cư trú bảo vệ.

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cư trú xóa đăng ký thường trú đối với những người đã ra nước ngoài và người vắng mặt trên 12 tháng. Vì thực tế có tình trạng người vắng mặt tại địa phương nơi thường trú nhiều năm, nhiều người đã sinh sống và định cư ở nước ngoài nhưng vẫn có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác đăng ký hộ tịch của ngành tư pháp và quản lý dân cư.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cũng đồng tình xóa đăng ký thường trú, nhưng đề nghị chỉ xóa thông tin thường trú đang được đăng ký của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú trong trường hợp công dân không thực tế cư trú tại chỗ đó nữa và việc xóa cũng không ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch của công dân và không tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Quy định như vậy nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong thực hiện quy định của pháp luật; đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý nắm chắc và chính xác số lượng dân cư trên địa bàn, hạn chế tình trạng cư trú ảo. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo có quy định bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của công dân khi không thực hiện đúng quy định của Luật.

Không quy định điều kiện đăng ký tạm trú để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân.

Về điều kiện đăng ký tạm trú (Điều 27) và thủ tục đăng ký tạm trú (Điều 28). Đa số đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị tại khoản 3 Điều 20 không quy định điều kiện đăng ký tạm trú và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ, do dó người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người đăng ký tạm trú với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, nhằm góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ tràn lan và không khai báo đang diễn ra phổ biến hiện nay. Mặt khác quy định này trái với nguyên tắc quyền tự do cư trú của công dân quy định trong Dự thảo Luật.

Về thời hạn tạm trú, một số đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì thời hạn tạm trú như luật hiện hành trong 2 năm để phân biệt với người đăng ký thường trú. Việc yêu cầu người đăng ký tạm trú định kỳ đăng ký lại tạm trú với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn; đồng thời đây cũng là biện pháp thúc đẩy người dân thực hiện đăng ký tạm trú khi đã có chỗ ở phù hợp, hạn chế tình trạng đăng ký tạm trú ở nhiều nơi.

Ngoài ra, người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài. Vì vậy, việc yêu cầu những người này định kỳ đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn, đồng thời đây cũng là giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi đã có đủ điều kiện.

Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.

Đồng tình quy định tiếp tục duy trì thời hạn tạm trú như luật hiện hành là 2 năm, nhưng đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, cho rằng, hồ sơ thủ tục gia hạn tạm trú tại Điều 28 của Dự thảo Luật là chưa phù hợp. Việc gia hạn tạm trú không thay đổi địa điểm tạm trú đã đăng ký trước đó, mà chỉ kéo dài thêm thời gian tạm trú. Do vậy, việc quy định thủ tục gia hạn tạm trú giống như thủ tục đăng ký tạm trú là không cần thiết; đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu quy định hình thức thủ tục gia hạn tạm trú đơn giản hơn đăng ký tạm trú, đảm bảo nhanh, gọn, thuận tiện hơn cho người dân.

Một số ý kiến cho rằng không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú. Việc quản lý cư trú vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua thông tin được khai báo, đăng ký trên Cơ sở dữ liệu về cư trú và qua các biện pháp nghiệp vụ, nắm địa bàn của cơ quan Công an ở địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về điều kiện đăng ký thường trú, đa số đại biểu tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như đã trình tại kỳ họp 9.

Về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố đối với người có chỗ ở hợp pháp do đi thuê, mượn, ở nhờ, đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định: một trong những điều kiện để đăng ký thường trú phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị lựa chọn tiêu chí có thời hạn tạm trú 01 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Cũng có ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng cần tích hợp cả 2 điều kiện trên để làm điều kiện đăng ký thường trú.

Về điều kiện đăng ký tạm trú đối với người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, qua thảo luận đa số ý kiến tàn thành quy định của Dự thảo Luật không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.

Về thời hạn tạm trú, hiện có 2 ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như Luật hiện hành tối đa là 02 năm để phân biệt với đăng ký thường trú. Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú để giảm bớt thủ tục hành chính./.

Lan Hương