Tại Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đồng thời, nhấn mạnh thêm một số vấn đề như sau:
Kết quả đạt được
Về kết quả huy động nguồn lực: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực bố trí vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết 100, tăng nguồn lực đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); các tỉnh, thành phố đã dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương bố trí vượt so với kế hoạch đề ra, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại cho các dự án thuộc CTMTQG Giảm nghèo bền vững. Đây là thành công lớn trong huy động nguồn lực để thực hiện với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Về phân bổ và sử dụng nguồn lực: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội. Phân bổ vốn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các xã thuộc Chương trình 135; vùng DTTS, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số. Nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm so với giai đoạn trước.
Về đổi mới trong tổ chức quản lý và thực hiện: Bộ máy quản lý CTMTQG đã được kiện toàn thống nhất từ trung ương đến địa phương, phân công, phân cấp rõ ràng; Thực hiện cơ chế Trung ương hỗ trợ tổng mức vốn, địa phương chủ động phân bổ, theo đó đã phát huy tính chủ động đồng thời tăng trách nhiệm của địa phương trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt cơ chế phân cấp tổ chức thực hiện công trình cơ sở hạ tầng tới cấp huyện, cấp xã, đồng thời trao quyền cho người dân tham gia tổ chức các mô hình sinh kế, giảm nghèo, quản lý khai thác và vận hành các công trình trên địa bàn cấp xã…
Công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo các cấp thông qua đôn đốc, chỉ đạo được thực hiện thường xuyên, cùng với đó là giám sát của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội; Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Kiểm toán chuyên đề đối với việc thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện thẩm tra, giám sát theo quy định. Qua đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó, kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm, đổi mới công tác quản lý, thực hiện các CTMTQG, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Về kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ: Chương trình xây dựng nông thôn mới, tới tháng 9 năm 2019, 52,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, như vậy đã hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội giao sớm trước 01 năm. Tới tháng 8 năm 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 60,23%, vượt mục tiêu 10,23%. Đối với Chương trình Giảm nghèo bền vững: Số hộ nghèo bình quân trong từ năm 2016-2019 giảm 1,53%/năm với 1.353.805 hộ nghèo (chiếm 58%) đã thoát nghèo. Đến hết năm 2019, kết quả thực hiện mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đặc biệt, nhiều địa phương hạn chế được tình trạng tái nghèo.
Một số tồn tại, hạn chế
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau:
Về ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực song việc ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Một số tiêu chí MTQG nông thôn mới vẫn chưa thực sự phù hợp với điều kiện đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Một số văn bản quy phạm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của từng chương trình chậm được ban hành, dẫn đến lúng túng, chậm trễ trong phân bổ, chậm giao kế hoạch vốn và tổ chức thực hiện ở các địa phương.
Về huy động và phân bổ vốn: Việc huy động nguồn lực từ xã hội chủ yếu tập trung vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn cho chương trình giảm nghèo bền vững từ NSNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn, huy động các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt. Nguồn vốn tín dụng tăng khá lớn, nhưng một số chương trình tín dụng có thời hạn, mức cho vay thấp so với yêu cầu thực tế.
Việc phân bổ và giao vốn CTMTQG còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải; chậm giao chi tiết kế hoạch vốn, giải ngân chậm, bố trí vượt số vốn ghi trong quyết định đầu tư, bố trí dồn vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng nhiều công trình, dự án. Một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản ở mức cao. Một số công trình hoàn thành, sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuống cấp, chưa được chú trọng bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng kịp thời để phát huy hiệu quả lâu dài, bền vững.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án: Vẫn còn tình trạng nhiều địa phương lập đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm; mục tiêu vượt quá khả năng thực hiện trong phạm vi nguồn lực nên thiếu khả thi, dẫn đến tình trạng phê duyệt dự án vượt khả năng cân đối, trở thành một trong những yếu tố dẫn đến nợ XDCB trong xây dựng nông thôn mới. Công tác lập đề án xây dựng nông thôn mới còn nặng về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa thật sự quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân,...
Về cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện CTMTQG: Cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện một số CTMTQG chưa thật hợp lý. Việc thực hiện lồng ghép nguồn lực thực hiện các CTMTQG còn nhiều hạn chế, chưa được hướng dẫn cụ thể, khó khăn trong tổ chức thực hiện. Về năng lực tổ chức thực hiện: Qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương, năng lực cán bộ, đặc biệt là cấp xã vẫn còn hạn chế. Vai trò làm chủ đầu tư của cấp xã chưa thực chất, mang tính hình thức, danh nghĩa. Còn tình trạng cấp ủy, chính quyền cơ sở, một số cán bộ và người dân nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, nội dung của Chương trình; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên trong bố trí nguồn lực cho Chương trình.
Về chất lượng và hiệu quả thực hiện CTMTQG: Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững: kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, 3|8 vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều so với mục tiêu; chất lượng giảm nghèo đa chiều chưa thực chất, còn hình thức, về cơ bản vẫn chỉ giảm nghèo về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đối với CTMTQG Xây dựng nông thôn mới: Một số địa phương còn tập trung nhiều vào các tiêu chí phát triển hạ tầng, chưa thực sự quan tâm đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới tổ chức sản xuất tạo điều kiện ổn định thu nhập, sinh kế cho người dân theo hướng phát triển bền vững. Còn tình trạng xã được công nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới, song khi đối chiếu với các tiêu chí thì chất lượng đời sống người dân còn ở mức thấp, cơ sở vật chất còn khó khăn, đặc biệt là công ăn việc làm của người lao động trên địa bàn ở nhiều xã, huyện đạt danh hiệu nông thôn mới còn chưa bảo đảm, thu nhập không ổn định; vẫn còn tình trạng cho nợ tiêu chí. Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều. Nhiều hộ dân thuộc các địa phương thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 còn rất nhiều khó khăn. Việc đào tạo nghề nông thôn còn bất cập, chất lượng và tính thực tiễn không cao, khó khăn trong việc nhân rộng mô hình giảm nghèo khi không còn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Đề xuất Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025
Về chủ trương, định hướng, sự cần thiết đầu tư: Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề xuất thực hiện 3 CTMTQG gồm: CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và Miền núi; CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và CTMTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, việc tiếp tục thực hiện 2 Chương trình CTMTQG xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là cần thiết để tiếp tục phát huy kết quả thành tựu giai đoạn trước.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc lại về sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện 2 CTMTQG nêu trên để bảo đảm tính tập trung trong phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ mang tính đột phá, làm động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các khu vực khó khăn. Có ý kiến cho rằng, tại các địa bàn DTTS và miền núi thì cần lồng ghép vào trong CTMTQG phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, 2 CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững chỉ còn thực hiện ở các khu vực ngoài khu vực triển khai CTMTQG DTTS và miền núi.
Về thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025
Đến nay, Chính phủ chưa trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 02 chương trình này trong giai đoạn 2021-2025 là quá chậm. Trường hợp Chính phủ chưa kịp trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư 02 chương trình trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ cần báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm về sự chậm trễ và đề xuất phương án thực hiện chuyển tiếp trong năm 2021 để tránh gián đoạn, giảm hiệu quả thực hiện 02 chương trình.
Về nội dung các chương trình MTQG: Đa số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện các nội dung CTMTQG trong đó lưu ý nghiên cứu, hoàn thiện chính sách kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cần rà soát kỹ để bảo đảm tính rõ ràng, tránh chồng chéo, trùng lắp ngay từ khi xây dựng, quyết định Chủ trương đầu tư, nhất là khi đã có thêm CTMTQG về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Về chuẩn nghèo và chính sách giảm nghèo: Về việc ban hành chuẩn nghèo: Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị sớm nghiên cứu ban hành quy định chuẩn nghèo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội, khả năng cân đối nguồn lực thực tế để thực hiện các chính sách giảm nghèo giai đoạn mới 2021-2025 làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững.
Về chính sách giảm nghèo: Đề nghị rà soát, bãi bỏ một số chính sách mang tính chất “cho không”, tránh hỗ trợ trực tiếp dẫn đến tư tưởng ỷ lại, cần theo hướng chú trọng hoạt động đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ có điều kiện nhằm bảo đảm cơ hội phát triển bình đẳng, thoát nghèo bền vững.
Cơ chế quản lý, điều hành để đảm bảo quản lý, điều hành CTMTQG thống nhất, Thủ tướng Chính phủ thành lập 1 Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cấp trung ương ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập 1 Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương: Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí việc tiếp tục thực hiện mô hình này, đồng thời đề nghị Chính phủ phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, Sở ngành chủ trì trong việc thực hiện các chương trình.
Trong giai tới cần tiếp tục rà soát, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương, Địa phương trong thực hiện các Chương trình MTQG; Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn cho địa phương để triển khai thực hiện; Phân bổ vốn cho chương trình bảo đảm thời gian quy định, đúng đối tượng, nội dung, mục đích, có trọng điểm, tránh tình trạng bình quân chia đều. Việc bố trí vốn đối ứng tại địa phương cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc,tránh tư tưởng ỷ lại vào ngân sách trung ương; đồng thời, có biện pháp phù hợp để huy động thêm nguồn lực khác cho các Chương trình.
Đối với 21 CTMT: Đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc rà soát các CTMT, xác định nội dung, đối tượng, địa bàn cụ thể, bố trí hợp lý trong nhiệm vụ của các bộ, cơ quan trung ương để tiếp tục thực hiện các nội dung thiết yếu phải tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới; những nội dung đang thực hiện hỗ trợ cho địa phương thì nghiên cứu, lồng ghép vào CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.
Về một số đề nghị của Chính phủ
Về đề nghị trích lập 10% dự phòng: Ủy ban nhận thấy, việc trích lập dự phòng, sử dụng và thời điểm sử dụng phải tuân thủ quy định của Luật ĐTC, theo đó Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mức trích, thời điểm sử dụng dự phòng chung khi quyết định Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Về cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản tán thành với kiến nghị của Chính phủ. Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch, tạo công bằng đối với các dự án khác, đề nghị Chính phủ xác định rõ đối tượng, quy mô, chính sách cơ chế đặc thù cụ thể để thể hiện thống nhất.
Về cho phép được sử dụng nguồn lực NSNN hằng năm của các chương trình mục tiêu quốc gia không sử dụng hết; nguồn thu hồi theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho những địa phương đạt kết quả cao trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị thực hiện hủy dự toán hoặc thu hồi và cấp lại theo đúng quy định của Luật NSNN và pháp luật liên quan./.