QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ MANG LẠI KẾT QUẢ THỰC CHẤT

20/10/2020

Chiều 20/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp trực tuyến, nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Hầu hết các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế đề ra được triển khai và có kết quả

Thừa ủy quyền của Thủ trướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 và 5 nhóm nhiệm vụ. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 với 16 nhóm nhiệm vụ lớn được cụ thể hóa bằng 108 nhiệm vụ chi tiết. Đến 2020, hầu hết các nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả. Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế được thúc đẩy tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2020, khoảng 234 văn bản các loại đã được soạn thảo và ban hành, trong đó đã trình Quốc hội thông qua 26 Luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đến năm 2020, dự kiến 15 trong số 22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết số 24 hoàn thành và có khả năng hoàn thành. Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra. Một là, Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 57-58% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP. Hai là, Quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%. Ba là, Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,6% năm 2016, và ước năm 2020 còn 34%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%. Bốn là, Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra trong Nghị quyết. Năm là, Dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP.

Trong số 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, hai mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu đều được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên có thể không hoàn thành trong năm 2020. Mục tiêu về nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4) đã bước đầu triển khai thực hiện nhưng do ưu tiên triển khai các mục tiêu cấp bách khác trong cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 nên mục tiêu này sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.

Hai mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có khả năng không hoàn thành do cả nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm người đứng đầu đến các nguyên nhân khách quan: nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh (như phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, phần vốn nhà nước,…) trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; mục tiêu nhiệm vụ, cơ chế quản lý DNNN chưa rõ ràng; khó khăn trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược…. Mục tiêu về 1 triệu doanh nghiệp mặc dù có khả năng không hoàn thành nhưng đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế về ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường.

Theo đó, cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội xuống mức phù hợp, tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước từ 38,9% năm 2016 lên 46% năm 2019; cải thiện dần hiệu quả đầu tư với chỉ số ICOR ước khoảng 6,1 giai đoạn 2016 - 2020, so với 6,3 giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu lại DNNN được đẩy mạnh và thực chất hơn. Các mục tiêu cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã cơ bản hoàn thành; hệ thống các tổ chức tín dụng đã được củng cố một bước, nâng cao hơn năng lực quản trị; xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã được đẩy nhanh thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn. Cơ cấu lại NSNN đã đạt được những thay đổi tích cực về quy mô, giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ trọng chi đầu tư.

Giai đoạn 2016 - 2020, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục được hoàn thiện, thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây cản trở được rà soát, cắt bỏ, môi trường kinh doanh được cải thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo được chú trọng xây dựng. Cơ cấu thu hút FDI được điều chỉnh hợp lý hơn, với tỷ trọng thu hút phát triển công nghiệp ngày càng tăng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất trong các ngành kinh tế.

Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng chưa rõ nét

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Nghị quyết 24 đã được triển khai quyết liệt, mang lại những kết quả thực chất hơn. Có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và hành động trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế. Một mặt làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành trong thực hiện chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, mặt khác đã truyền cảm hứng, tạo lòng tin cho thị trường. Vì vậy, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực.

Quốc hội họp trực tuyến, nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng chưa rõ nét. Tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng trưởng năng suất lao động còn thấp. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu chuyển biến chậm.

Cùng với đó, khu vực tư nhân trong nước phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm. Chuyển biến cơ cấu nội ngành chưa rõ nét và bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu. Khu vực dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực DNNN chậm được cải thiện. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và nhiều vướng mắc. Tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém chưa theo kịp yêu cầu của nền kinh tế.

Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn tới

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần được xây dựng đảm bảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ 2021-2030; phù hợp với định hướng phát triển của ngành và lãnh thổ được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030.

Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tích lũy năng lực công nghệ; đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số.

Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo ra những kết quả rõ nét hơn.

Khắc phục cơ cấu nền kinh tế chia cắt, cát cứ, thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần, các địa bàn kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị. Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.

Căn cứ vào kết quả đánh giá thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, những phân tích về bối cảnh quốc tế, trong nước và các định hướng cho giai đoạn 2021-2025 trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu và nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2016-2020; thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp song song với các nỗ lực phòng, chống dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch và xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội trong kỳ họp tiếp theo./.

Bảo Yến - Bùi Hùng