Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 quy định 7 loại hợp đồng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO); Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO); Kinh doanh - Quản lý (O&M); Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL); Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT); hỗn hợp - kết hợp nhiều loại hợp đồng.
Luật cũng quy định 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, gồm: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo quy định của Luật PPP, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành sẽ dừng dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng giới thiệu Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Lý giải thêm về loại hình dự án BT tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, việc ra hình thức này để nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng, sau đó nhà nước trả quỹ đất để họ phát triển nhằm cân bằng hai chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, hình thức này không có việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư nên không thể coi đó là hình thức đầu tư PPP. Do vậy loại hình BT không nằm trong nội dung của Luật PPP.
Trước một số ý kiến bày tỏ băn khoăn nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, nước ta có nguồn lực đất đai và pháp luật cho phép đấu thầu, đấu giá. Do vậy có thể đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh việc tạm dừng thực hiện hợp đồng theo hình thức BT cũng là một trong những điểm để quản lý hiệu quả hơn nữa quỹ đất, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Trước đó, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, nội dung về hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) là một trong những nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại diễn đàn Quốc hội vừa qua. Do còn có ý kiến khác nhau, trước khi dự án luật được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Phương án 1: sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng chặt chẽ hơn, khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh. Thực tiễn thời gian qua, BT là phương thức thực hiện chủ yếu (56% số dự án) trong các phương thức PPP, hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai. Do vậy, cần giữ phương thức đầu tư này với những sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ, thủ tục công khai, minh bạch, cạnh tranh.
Phương án 2: không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT tại luật PPP, vì dự án BT không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP. Thực tiễn triển khai các dự án áp dụng loại hợp đồng BT thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, bản chất của dự án BT là nhà nước đặt hàng hoặc thuê một nhà đầu tư tư nhân xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho nhà nước. Đổi lại, nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư đó bằng tiền hoặc bằng công trình (đất đai). Nếu Chính phủ muốn thuê nhà đầu tư để xây dựng công trình thì Chính phủ có điều chỉnh bằng Luật Đấu thầu, là lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình. Còn việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng các giá trị tài sản hoặc đất đai thì chúng ta đã có điều chỉnh ở Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu vẫn cứ cho BT là một dạng dự án PPP thì sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư tự thiết kế, xây dựng và sau đó nhà nước phải mua lại theo giá mà nhà đầu tư đã khai báo. Điều đó dẫn đến tình trạng công trình này có thể giá sẽ đội lên hơn so với giá trị thực. Ngược lại, nhà đầu tư lại được hưởng những ưu đãi của chính sách đối với PPP, ví dụ hưởng giá thấp về đất đai.
Có cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho biết, thời gian qua, dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, tạo dư luận không tốt. Nhà đầu tư thường hay tranh thủ cơ quan có thẩm quyền để được chỉ định thầu các dự án mà nhà nước cần. Nhà nước hoàn lại cho nhà đầu tư thông thường là bất động sản, những nơi được xem là khu đất vàng, giá trị cao gấp nhiều lần, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị dự luật không quy định dự án BT, vì dự án này không thuộc bản chất của dự án PPP. Mặt khác, nếu nhà nước thiếu vốn thì đấu giá quyền sử dụng đất sẵn có để có vốn đầu tư công vào các dự án mình cần, thay vì giao cho nhà đầu tư BT xây dựng rồi chuyển giao đất mà không qua đấu giá cho nhà đầu tư, dễ tiêu cực, gây dư luận xấu.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy các dự án BT có nhiều tác dụng trong việc huy động được nguồn lực, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương khi thực hiện dự án. Tuy vậy, triển khai dự án BT cũng đặt ra nhiều quan ngại khi tổng mức đầu tư dự án tăng không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp.
Từ năm 2016 đến năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán. Mới đây nhất, trong báo cáo kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2019 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của 29 dự án BT thuộc diện kiểm toán năm 2019. Theo đó, hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư. Trước những bất cập, thất thoát ngày càng lộ rõ, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng và chuyên gia đặt vấn đề nên dừng lại hay tiếp tục dự án BT.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Tiếp thu các ý kiến trước khi Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng BT tại luật PPP. Qua đó, luật quy định rõ các trường hợp chuyển tiếp đối với dự án BT đã và đang triển khai thực hiện trước ngày luật này có hiệu lực thi hành. Đồng thời bổ sung điều khoản về việc dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.
Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định rõ: “…5. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) được thực hiện như sau:
a) Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
c) Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng;
d) Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.
6. Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2020.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”./.