Toàn cảnh phiên họp
Luật Cư trú năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 (Luật Cư trú) được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết để bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.
Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền- Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nhấn mạnh dự thảo Luật đang nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân về phương thức quản lý dân cư mới thay thế cho cuốn sổ hộ khẩu giấy đã tồn tại gần 70 năm qua, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền- Đoàn ĐBQH Yên Bái cho rằng, đây là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ thông tin, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phương thức quản lý dân cư mới này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư, cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân.
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, những năm qua, dòng lao động của nước ta đang dịch chuyển do quá trình đô thị hóa, chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy cần phải có phương thức quản lý mới kịp thời về cư trú để đảm bảo tốt quyền tự do cư trú của công dân. Theo đại biểu, việc thay đổi phương thức quản lý dân cư mới này sẽ giảm đươc phiền hà và chi phí cho người dân, đây là bước tiến đột phá cho công tác quản lý cư dân nhận được sự quan tâm của xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi trong quá trình thực hiện. Các đại biểu cho biết, hiện có nhiều số định danh cá nhân được cấp, cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thành; cơ sở nào có thể khẳng định những việc này sẽ được hoàn thành vào thời điểm luật có hiệu lực để đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu
Để bảo đảm thuận lợi cho việc triển khai dự án Luật khi luật có hiệu lực thi hành, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an đang triển khai. Đồng thời, trong thời gian đó, cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu với các trường hợp chưa được cấp mã số định danh cá nhân, bảo đảm cho các hoạt động của người dân diễn ra bình thường.
Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, nếu dự thảo Luật được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Theo lộ trình dự kiến, đến tháng 12/2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Luật Căn cước công dân, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Từ nay đến thời gian đó không còn dài, cùng với những yêu cầu và khó khăn của công tác này, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân theo lộ trình, để khi luật có hiệu lực thi hành thì bảo đảm luật được tổ chức, triển khai trong cuộc sống.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả các Ủy ban nhân dân xã, các cơ quan nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị lại toàn bộ hệ thống máy tính, cơ sở thiết bị để có thể truy cập, sử dụng để bảo đảm cơ sở pháp lý, thay vì chỉ kiểm tra sổ hộ khẩu như hiện nay. Cùng với đó, người làm công tác này cũng phải được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để quản lý, sử dụng. Việc thay đổi này sẽ tạo ra những chi phí không nhỏ. Do đó, các đại biểu đề nghị cần có lộ trình để thực hiện sự thay đổi này, hạn chế tối đa sự xáo trộn với người dân; những chỗ nào đủ điều kiện thì làm trước, có tổng kết, rút kinh nghiệm để bảo đảm phù hợp với mỗi địa phương.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cho biết, Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp và chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đầy đủ để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10./.