BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC ĐỖ VĂN CHIẾN GIẢI TRÌNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS & MN

12/06/2020

Chiều ngày 12/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, tại phiên thảo luận toàn thể hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình một số nội dung liên quan.

 

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Tại phiên họp toàn thể các đại biểu nhất trí về sự cần thiết cần phải có một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là vùng trũng về kinh tế-xã hội của đất nước, kéo dài trong rất nhiều năm chậm được khắc phục. Việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia  phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước.

Nhiều ý kiến cơ bản thống nhất phạm vi, đối tượng và địa bàn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đang có hiệu lực, vì vậy đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để có sự chỉ đạo phù hợp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, địa bàn khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các đại biểu cũng cho rằng, các dự án thành phần đã được thiết kế tương đối rõ, tuy nhiên còn có quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, dàn trải, chưa có sự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Chính phủ cần chú trọng đáp ứng được mục tiêu trên, theo đó tập trung phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng gấp đôi thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời cần lưu ý tính toán phương án đầu tư, hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể, tránh cào bằng. Có các cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bố trí nguồn lực Chương trình cần thể hiện rõ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Có cơ chế cụ thể trong việc xã hội hóa huy động nguồn vốn trong nhân dân và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nguồn lực vốn của nhà nước chỉ tập trung đầu tư những nội dung trọng điểm, mang tính đột phá. Chính phủ rà soát lại vì khả năng cân đối vốn đầu tư công liệu có đảm bảo tính khả thi trong việc bố trí vốn.

Ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong Quý III/2020

Báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội với tinh thần nghiêm túc, cầu thị để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Chương trình một cách tốt nhất.

Ghi nhận nhóm ý kiến về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết thêm  Chính phủ đã xem xét đề án và ban hành Nghị quyết số 28, giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí cụ thể. Dự thảo quyết định này đã được đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Ủy ban Dân tộc. Hiện nay đã có 51 tỉnh phân định sơ bộ, tập hợp kết quả để làm căn cứ xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Dự kiến quý III/2020 Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định tiêu chí. Khi lập báo cáo khả thi sẽ có danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn đặc biệt khó khăn để thực hiện chương trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, đây là một việc hệ trọng cần được tiến hành từng bước, chắc chắn, minh bạch theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do vậy đòi hỏi cần phải có thời gian. Việc Chính phủ cân nhắc ban hành Quyết định vào quý III/2020 để thực hiện từ năm 2021 là phù hợp.

Về mối quan hệ của chương trình này với 2 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết nội dung này đã được Hội đồng thẩm định nhà nước làm rõ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chương trình này được Quốc hội đặc biệt quan tâm phê duyệt trước, hai chương trình sau sẽ không điều chỉnh đối tượng trùng vào chương trình này nữa.

Cơ cấu lại nguồn vốn thực hiện dự án để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Về một số ý kiến đại biểu cho rằng, định mức đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các cơ quan chủ trì hai chương trình nghiên cứu một cách thận trọng, chắc chắn, để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội. Trong đó, bảo đảm địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất theo đúng theo Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về triển khai nhiệm vụ năm 2020 là ưu tiên bố trí nguồn lực, thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng này vừa được Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Về nhóm ý kiến về rà soát tích hợp chính sách và phân chia các dự án thành phần, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết hiện nay có 118 văn bản chính sách, trong đó có 54 chính sách dân tộc. Qua rà soát đến năm 2020, các chính sách này hầu hết không còn hiệu lực. Đối với các chính sách còn phù hợp cơ bản đã được tích hợp trong Chương trình này để phân định thành 10 dự án xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Tên gọi của dự án đồng thời là nội hàm của chính sách. Đồng thời tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại nguồn vốn của các dự án hợp lý hơn, tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh dàn trải, giảm đầu mối quản lý.

Về nhóm ý kiến về nguồn vốn đầu tư thấp hơn so với đề án đã được phê duyệt, khó đạt được mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, trong khi Quốc hội chưa quyết định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Chính phủ mới cân đối được ngân sách ở mức tối thiểu. Căn cứ vào tình hình thực tiễn sẽ trình Quốc hội bổ sung thêm chương trình mục tiêu quốc gia chỉ là một giải pháp. Chính phủ sẽ chỉ đạo đồng bộ 8 giải pháp của Nghị quyết 88 để phấn đấu cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hỗ trợ có điều kiện, nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nếu địa phương không quyết liệt, đồng bào không chủ động tích cực trở thành một cuộc vận động xã hội lớn khi có vốn của Trung ương chưa chắc đã giải ngân được. Điều này đòi hỏi phải quyết liệt để xây dựng mô hình vững mạnh, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và thiết thực giúp đỡ đồng bào.

Nhà nước định hướng để người dân quyết định mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp

Khẳng định ý kiến về xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, văn hóa, tập quán của các dân tộc là rất sát thực tiễn, đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ đề xuất trong Chương trình mang tính hướng dẫn, chủ yếu xây dựng mô hình để người dân tham khảo. Mô hình được xây dựng này theo miền, vùng không phải một mô hình cho toàn quốc. Việc đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì, làm dịch vụ nghề gì có hiệu quả là do địa phương và người dân quyết định đúng với phương châm dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, nhà nước hướng dẫn, cung cấp thông tin chứ không quyết định thay người dân.

Các đại biểu tại phiên họp toàn thể hội trường

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết điểm mới trong chương trình này là Quốc hội đã quyết định để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đến các dự án tạo sinh kế cho đồng bào, khuyến khích sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc đi đôi với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm khác biệt, độc đáo riêng có của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc kỳ vọng ý tưởng này sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội về tỷ lệ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư chưa hợp lý; lồng ghép bình đẳng giới phải thực hiện ở tất cả các dự án; đặc biệt quan tâm đến việc xác định tiêu chí của các dân tộc còn khó khăn; quan tâm đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, dạy tiếng dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; tiêu chí dân tộc còn khó khăn đặc thù phù hợp với từng vùng, miền; đưa chương trình giáo dục mầm non vào dự án 5; vấn đề tín dụng chính sách còn thấp; cũng như bảo đảm thực hiện cơ chế đặc thù hiệu quả.

Cơ hội lớn để cải thiện khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng được một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một kỳ tích lịch sử mà nhiều năm qua chưa làm được. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, tuy còn một số nội dung cần được bổ sung khi lập báo cáo khả thi và tổ chức thực hiện chương trình nhưng tin tưởng rằng, Quốc hội sẽ chia sẻ và phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình tại kỳ họp này, một chương trình không chỉ nhằm phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang theo sứ mệnh đại đoàn kết các dân tộc, đa mục tiêu, giàu tính nhân văn và ghi đậm dấu ấn lịch sử của Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, chỉ một Chương chưa thể giải quyết hết được khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay nhưng rõ ràng đây là một cơ hội lớn, nguồn sinh khí mới, đồng bào sẽ có điều kiện để giảm bớt những khó khăn, nhọc nhằn. Đồng bào sẽ rất vui mừng, phấn khởi và mãi mãi biết ơn Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tin tưởng rằng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình để hòa nhập và phát triển cùng với đất nước./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh