KIẾN NGHỊ QUY ĐỊNH RÕ HƠN TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI DÂN, CHÍNH QUYỀN KHI ĐỂ XẢY RA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

12/06/2020

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại Tổ số 5 về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu Quốc hôi cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của người dân cho đến trách nhiệm của các cấp, các ngành trong bảo vệ cũng như để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Tổ số 5 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng và các tỉnh: Ninh Bình, Sơn La, Tây Ninh. Đa số các đại biểu tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nhưng cần bổ sung về cấp phép xả thải ra nguồn nước; trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền trong việc bảo vệ môi trường.

Góp ý vào việc cấp phép xả thải ra nguồn nước, đại biểu Trịnh Ngọc Phương- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Dự án Luật Bảo vệ môi trường thì những dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. 


Các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La trong Tổ số 5.

Để được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, chủ dự án phải gửi báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Trong đó có các nội dung về công trình xử lý nước thải (mạng lưới thu gom nước thải, thoát nước; công trình xử lý nước thải đã được xây lắp; kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải).

Còn Điều 37 Luật Tài nguyên nước quy định: Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất kinh doanh phải có hạng mục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống tiêu thoát, dẫn nước thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức, cá nhân xả thải vào nguồn nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Một trong những căn cứ để cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là “tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước thải, chất lượng của nguồn nước tiếp nhận nước thải; các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Điều kiện để cấp phép xả nước thải vào nguồn nước bao gồm: Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; nhân lực, thiết bị thực hiện vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp đã có công trình xả nước thải…

Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, đối với dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, chủ đầu tư phải xin hai loại giấy phép (giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước) có cùng tính chất như nhau (kiểm soát nguồn nước thải vào nguồn nước để đảm bảo bảo vệ môi trường). Căn cứ để cấp phép có nhiều điểm tương đồng. Việc yêu cầu chủ đầu tư phải xin hai giấy phép có tính chất giống nhau tạo ra sự phiền phức và khó khăn trong quá trình hoạt động.

Cần có sự minh bạch, phân chia trách nhiệm cụ thể trong bảo vệ môi trường

Đề cập việc quy định trách nhiệm, xử lý hành vi vi phạm về môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng kiến nghị: Trong Dự án Luật phải đề cập rõ và đưa ra giải pháp xử lý nghiêm khắc hơn thì người dân, doanh nghiệp mới thực hiện nghiêm túc. Theo đó, việc xử phạt hành vi vi phạm về môi trường không chỉ dừng ở xử lý doanh nghiệp mà còn cả những cá nhân, tổ chức bưng bít thông tin, bao che cho những việc làm gây ảnh hưởng tới môi trường cũng đều bị xử phạt. Ngoài ra, cần có sự minh bạch, phân chia trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ môi trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường?


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, mặc dù theo chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra những sự việc về môi trường nhưng người đứng đầu Chính phủ lại cho phép một doanh nghiệp, cơ sở thương mại được phép thành lập, hoạt động. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm theo dõi doanh nghiệp đó có những việc làm vi phạm đến môi trường hay không.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đưa ra dẫn chứng như đối với vụ việc vi phạm môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế do Công ty Formosa tại Hà Tĩnh gây ra đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Trong vụ việc này, đương nhiên Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đều phải chịu trách nhiệm đối với vụ việc này, chứ không phải chỉ có Công ty Formosa đền bù tiền cho người dân là đủ, cho dù trách nhiệm cuối cùng thuộc về các đơn vị hành chính địa phương.


Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu ý kiến

Còn đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La lưu ý về trách nhiệm của người dân tới trách nhiệm của các cấp, các ngành, lãnh đạo UBND cấp xã cho đến UBND cấp tỉnh trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Do đó, trong dự án Luật cần quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành.

Ngoài những nội dung nêu trên, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 còn cho ý kiến về các vấn đề: Xử lý chất thải rắn từ hộ gia đình; Phân loại rác thải; Đánh giá tác động về môi trường; Thanh tra, kiểm tra về môi trường./.

Bích Lan