KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP THỨ 45 ĐỢT 3

08/06/2020

Ngày 01/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 45 (đợt 3) tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để cho ý kiến các nội dung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3671/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 (đợt 3).

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 45 đợt 3

Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVIPA); về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; về công tác nhân sự chuẩn bị trình Quốc hội; về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Trong đợt 3 của Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua 02 nghị quyết, gồm Nghị quyết về phê chuẩn bà Leo Thị Lịch, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc giữ chức Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc từ ngày 01/6/2020 và Nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Khẳng định quyết tâm chính trị trong việc sớm triển khai các cam kết trong Hiệp định EVIPA

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVIPA), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết nhằm khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc sớm triển khai các cam kết trong Hiệp định EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu và các nước thành viên của Liên minh Châu Âu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết: Nghị quyết chỉ khẳng định việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA, mà không phải quy định một cơ chế mới để thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA

Về công nhận và cho thi hành phán quyết, dự thảo Nghị quyết cần xác định về nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA trong các trường hợp: (1) Bị đơn là Nhà nước Việt Nam và nguyên đơn là nhà đầu tư của Liên minh Châu Âu hoặc nhà đầu tư của các nước thành viên Liên minh Châu Âu; (2) Bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc các nước thành viên của Liên minh Châu Âu có tài sản ở Việt Nam và nguyên đơn là nhà đầu tư của Việt Nam.

Dự thảo cần xác định những nội dung, nhiệm vụ của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan cần triển khai thực hiện để bảo đảm thực thi Hiệp định.

Về hiệu lực thi hành, Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Bổ sung một số nội dung vào Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội

Về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và Chương trình kỳ họp thứ 9 dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát, hoàn chỉnh lại hồ sơ Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại đợt 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung Tờ trình số 242/TTr-CP ngày 20/5/2020 của Chính phủ về đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, trong đó có việc ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Không quy định mức trần thu phí, lệ phí mà giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định. Không giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định về lệ phí, án phí của Tòa án. Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư phải lưu ý dành nguồn tăng thu hằng năm cho cải cách tiền lương giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu chỉ được dùng cho đầu tư phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố chủ động quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, song đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về việc điều chỉnh tỷ lệ chi cho giáo dục, đào tạo và chi cho khoa học, công nghệ.

Thời gian thực hiện thí điểm là 05 năm, kể từ khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, khi có vấn đề mới do Quốc hội quyết định hoặc Luật Thủ đô được sửa đổi sớm hơn thì hiệu lực của Nghị quyết này sẽ theo quyết định của Quốc hội hoặc quy định của Luật.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dửa lại tên gọi và phạm vi, đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được những tiêu chí như quy định trong Nghị quyết. Lấy tiêu chí tổng doanh thu và số lao động tham gia đóng bảo hiểm để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Việc xem xét giảm thuế được thực hiện đối với số thuế phát sinh trong kỳ tính thuế của năm 2020. Hiệu lực thi hành của Nghị quyết là sau 45 ngày kể từ ngày thông qua.

Về công tác nhân sự chuẩn bị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung chuẩn bị của các cơ quan liên quan; đồng thời, yêu cầu Ban Công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu theo quy định để trình Quốc hội tại đợt 2 của kỳ họp thứ 9.

Chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông

Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất quán với quan điểm là chuyển đổi sang hình thức đầu tư công 100% vốn nhà nước đối với dự án đối tác công tư (PPP) mà không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); đồng thời lựa chọn thêm 02 dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp bách. Trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Phương án 3 nêu tại Tờ trình số 256/TTr-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ (gồm 03 dự án: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây).

Các dự án sau khi được chuyển đổi phải được thực hiện đầy đủ các thủ tục của Luật Đấu thầu và thu phí để thu hồi vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra theo quy định, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại đợt 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Thực hiện thí điểm hợp nhất 03 Văn phòng chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy kết quả tổng kết bước đầu của Chính phủ sau hơn 01 năm thực hiện thí điểm cho thấy việc tổ chức 01 Văn phòng giúp việc chung cho 03 cơ quan như mô hình thí điểm mới chỉ giảm cơ học một số đầu mối tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp trưởng và biên chế công chức, viên chức nhưng chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc và các cơ quan liên quan như Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Qua thảo luận tại phiên họp cho thấy, việc thực hiện thí điểm hợp nhất 03 Văn phòng chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra thì cần xem xét chấm dứt việc thí điểm và trở lại mô hình tổ chức các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như quy định của pháp luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị Chính phủ hoàn thiện Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm tại các địa phương; làm rõ trách nhiệm tổ chức triển khai cũng như kết quả thực hiện thí điểm mô hình hợp nhất 02 Văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức lấy ý kiến của chính quyền địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội nơi thực hiện thí điểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phân tích, so sánh, đánh giá toàn diện, làm sâu sắc hơn các nội dung tổng kết; khẩn trương xây dựng đề án tổ chức cơ quan giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó có thể đề xuất các phương án khác nhau về mô hình tổ chức của các cơ quan này bảo đảm ổn định, lâu dài…, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi ban hành quy định chính thức, bảo đảm thực hiện cùng với thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật có liên quan.

Ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025

Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc ban hành Nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo các nội dung tiếp thu, giải trình đã được cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất như Báo cáo số 2000/BC-UBTCNS14 ngày 29/5/2020 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý  việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước bổ sung có mục tiêu cho địa phương được tính trên cơ sở: (1) bố trí đủ vốn còn thiếu cho dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020 thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương; (2) tính điểm của các tiêu chí theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 của dự thảo Nghị quyết để xác định tổng số vốn bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện các dự án mới.

Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không quá 30% tổng chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương, không bao gồm vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn  ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận của phiên họp./.

Bảo Yến