THẢO LUẬN TẠI TỔ 5: TRÁNH SỰ TRÙNG LẮP, LÃNG PHÍ KHI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

08/06/2020

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 08/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thảo luận tại Tổ số 5 gồm Đoàn đại biểu các tỉnh: Ninh Bình, Đà Nẵng, Sơn La, Tây Ninh. Dưới sự điều hành của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Chính phủ. Đó là mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch bệnh Covid- 19 song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. Các đại biểu,cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ, đầy đủ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cũng như những khó khăn, thách thức, đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

\
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 5 chiều ngày 08/6.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế - xã hội. An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã thành công bước đầu trong kiểm soát dịch Covid-19, được nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả quan trọng này là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, động viên và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nêu quan điểm: Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh công tác chủ động phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả thì trong thời gian tới, nước ta cần chú trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, phòng chống lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương, để thực hiện được những mục tiêu trên thì Chính phủ cần đưa ra mức tăng trưởng ở mức ổn định, kích cầu kinh tế bằng giải pháp kích cầu nội địa, nới lỏng tín dụng và ưu tiên đầu tư công vào những dự án thiết thực, cấp bách.


Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến.

Đưa ra các giải pháp để góp phần phục hồi nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nêu ý kiến: Song song với các giải pháp khuyến khích kích cầu mua sắm, tiêu dùng nội địa thì Chính phủ cần chú trọng đến phát triển du lịch bằng cách kích cầu du lịch ở trong nước. Ngoài ra, Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bằng cách giãn nợ tiền thuê đất cho đến khi doanh nghiệp vượt qua được khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.

Còn đại biểu Đinh Tiến Dũng- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng: Bên cạnh giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu thì Chính phủ đang tăng cường cải cách môi trường đầu tư, chọn lọc nhà đầu tư, kích cầu mua sắm ở trong nước. Song song với đó, Chính phủ và các Bộ ngành cũng cần tăng cường quản lý,  sử dụng nguồn vốn, những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, đúng đối tượng.

Cần rà soát lại các dự án để tránh sự chồng chéo, lãng phí và không hỗ trợ đúng đối tượng

Trong phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đa số các đại biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về Chương trình. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình được hiệu quả thì cần có giải pháp hữu hiệu tránh sự trùng lắp, chồng chéo.

Đại biểu Tráng Thị Xuân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La góp ý: Chính phủ cần rà soát lại các dự án, tiểu dự án trong Chương trình để tránh sự chồng chéo, trùng lắp với các chương trình đã thực hiện trước đó như chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, cần có sự rà soát kỹ lưỡng những dự án, hạng mục nào đã được đầu tư ở những chương trình trước thì không cần đầu tư ở Chương trình mới nữa hoặc có thể tích hợp các chương trình, dự án lại với nhau. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chương trình đều có sự lồng ghép và có nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, các địa phương mất rất nhiều thời gian để phân định đối tượng được thụ hưởng. Vì vậy, Chính phủ cần có báo cáo, rà soát kỹ để tránh sự hỗ trợ sai mục đích, đối tượng.


Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Quàng Văn Hương- Đoàn Đại biểu tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, các đối tượng, các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia chưa rõ ràng nên rất khó khăn cho các cơ quan, ban ngành, địa phương xác định cụ thể nguồn vốn để chủ động động được số tiền hỗ trợ là bao nhiêu. Ngoài ra, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ chỉ nên ưu tiên đầu tư vào những dự án nào thực sự cấp thiết với người dân và có hiệu quả, chứ không nên đầu tư dàn trải.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Đoàn Ninh Bình bày tỏ: Để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia đạt hiệu quả thì cần có sự tổng kết các chương trình trước đó đã thực hiện để từ đó biết rõ được những hạng mục, dự án nào đã đầu tư thực sự hiệu quả; những dự án nào cần tiếp tục triển khai và nên loại bỏ. Bên cạnh đó, cơ quan giám sát của Quốc hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án đầu tư để tránh sự lãng phí, thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.

Kết luận tại phiên thảo luận ở Tổ 5, đại biểu Trương Quang Nghĩa – Trưởng đoàn Đại biểu thành phố Đà Nẵng, cho biết: Có 12 ý kiến của các đại biểu biểu Quốc hội đóng góp cho Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tất cả các ý kiến đều rất thiết thực với mong muốn Quốc hội có những giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, cần có sự tổng kết lại các chương trình đã thực hiện trước đó để tránh sự trùng lắp, chồng chéo, gây lãng phí và không đúng đối tượng được thụ hưởng./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh