Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Ngày 23/3/2020, Chính phủ có Tờ trình số 95/TTr-CP đề nghị Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Ngày 20/4/2020, Chủ tịch nước đã có Tờ trình số 03/TTr-CTN gửi Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105. Căn cứ quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Tờ trình của Chủ tịch nước, Chính phủ xây dựng Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 105.
Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần khẳng định việc thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn trên thực tế quy định nhất quán của Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Phiên thảo luận.
Việc gia nhập Công ước số 105 đồng thời là để thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO. Theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, các quốc gia thành viên của ILO dù đã gia nhập hay chưa gia nhập 08 công ước cơ bản của ILO, trong đó có Công ước số 105 thì vẫn có nghĩa vụ thực hiện những tiêu chuẩn lao động quốc tế được quy định trong các công ước này.
Gia nhập Công ước số 105 cũng là để thực thi cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được Chủ tịch nước trình Quốc hội và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); gửi đi thông điệp mạnh mẽ về đối ngoại cho cộng đồng quốc tế và các đối tác thương mại, khẳng định Việt Nam là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm với các cam kết quốc tế của mình.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh: Tờ trình của Chủ tịch nước đã nêu cụ thể về nội dung của Công ước số 105. Chính phủ báo cáo bổ sung một số vấn đề: Công ước số 105 là công ước cùng cặp với Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, Công ước số 29 có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, cụ thể:
- Công ước số 29 đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc. Công ước số 105 không đưa ra định nghĩa về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc mà sử dụng định nghĩa của Công ước số 29;
- Công ước số 29 có phạm vi điều chỉnh rộng, cấm lao động cưỡng bức ở cả khu vực công và khu vực tư nhân. Công ước số 105 chỉ tập trung vào việc xóa bỏ 5 hình thức lao động cưỡng bức quy định tại Điều 1 của Công ước trong khu vực công do nhà nước áp đặt. Các hình thức này chủ yếu là những trường hợp lạm dụng các ngoại lệ về lao động cưỡng bức đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 Công ước số 29.
- Công ước số 29 cũng quy định về một số trường hợp ngoại lệ, mặc dù về hình thức có thể có một số dấu hiệu của lao động cưỡng bức, song không bị coi là lao động cưỡng bức. Lao động của phạm nhân, lao động của học viên cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc, lao động của học sinh trong trường giáo dưỡng thuộc các trường hợp ngoại lệ này của Công ước số 29.
Đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước 105, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ: Việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quan điểm xuyên suốt trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Việc gia nhập Công ước số 105 của ILO (cùng với Công ước số 29 mà Việt Nam đã gia nhập) sẽ góp phần trong việc xóa bỏ các hình thức cưỡng bức lao động ra khỏi đời sống, bảo vệ tốt hơn quyền con người tại Việt Nam, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ, củng cố niềm tin của người dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc gia nhập Công ước số 105 còn có tác động tích cực về chính trị đối ngoại, thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ có tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 của ILO sẽ vừa góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng; vừa góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của “giấy thông hành”, giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, việc Việt Nam gia nhập và thi hành Công ước số 105 sẽ không làm tăng chi phí xã hội, chi phí triển khai thực hiện và không làm thay đổi nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam do Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 và các tiêu chuẩn của Công ước số 105 đã được đưa vào các cam kết trong EVFTA và CPTPP. Công ước số 105 không quy định về việc bảo lưu khi gia nhập Công ước.
Với những yếu tố, sự cần thiết như trên, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập và chấp nhận toàn bộ nội dung Công ước, áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ không có đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Công ước.
Theo như dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức vào ngày 8/6 của đợt 2 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV./.