KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI ĐỔI LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU ĐỀ RA

05/06/2020

Tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết song cần lưu ý các nội dung sửa đổi để bảo đảm mục tiêu khắc phục những vướng mắc, hạn chế phát sinh trong thực tiễn, tăng cường bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài.

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và hệ thống các văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành tập trung vào các nội dung quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2018, số lao động Việt Nam đi làm theo hợp đồng ở nước ngoài là 142.860 người, tăng 6% so với năm 2017; Năm 2019, là 147.387 lao động (trong đó có 49.324 lao động nữ) đạt 122,8% kế hoạch, bằng 103,2% so với năm 2018 (năm 2019 là năm thứ sáu liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm).

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ. Nội dung những quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với những quy định của Luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo cơ hội thuận lợi hơn không chỉ cho người lao động mà cả các doanh nghiệp được cấp phép tham gia hoạt động này và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quy định pháp luật và thực hiện pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn một số hạn chế, bất cập.

Một là, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nảy sinh những vấn đề mới mà Luật chưa quy định. Do nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới xuất hiện trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gây khó khăn trong công tác quản lý, ví dụ: hình thức công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó ở lại và tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp

Hai là, điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ. Một số nội dung Luật chỉ quy định dạng phương án (doanh nghiệp phải có cán bộ, cơ sở vật chất…) khi đề nghị cấp phép. Những điều này dẫn đến một số khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ và cho cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định, xử lý hồ sơ. 

Tại Khoản 2 Điều 10 Luật hiện hành quy định: “2. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của một trong những người có thẩm quyền sau đây: a) Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thành lập hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đối với doanh nghiệp nhà nước; b) Người ra quyết định thành lập đối với doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này”. Theo đó, quy định về thời gian xem xét, cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong đó bao gồm cả thời gian lấy ý kiến của một trong những người có thẩm quyền, là chưa phù hợp thực tiễn công tác này.

Luật cũng không quy định cụ thể trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chưa đầy đủ, doanh nghiệp phải hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trong thời hạn là bao lâu để cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét và cơ quan có thẩm quyền được quyền từ chối tiếp tục xem xét hồ sơ sau thời gian quy định.

Ba là, những nội dung chi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được quy định ở Điều 68 mới chỉ mang tính chất giải quyết rủi ro, chưa hướng tới các hoạt động mang tính hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhiều hoạt động khác cần được hỗ trợ nhưng lại chưa có cơ sở để chi từ Quỹ; các nội dung chi hỗ trợ của Quỹ mới chỉ được quy định rất giới hạn (nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động,…), trong khi đó rất nhiều hoạt động khác (như xây dựng đường dây nóng hỗ trợ người lao động, phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài,…) cũng cần được chi hỗ trợ.

Bốn là, một số trường hợp chất lượng nguồn lao động chưa cao và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài. 

Khoản 2 Điều 18 Luật hiện hành quy định: “2. Hợp đồng cung ứng lao động có hiệu lực sau khi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận”. Mọi hoạt động tuyển chọn, đào tạo người lao động cho hợp đồng cung ứng phải thực hiện sau khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký hợp đồng và có Phiếu trả lời đăng ký hợp đồng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho người lao động. Tuy nhiên, sẽ ảnh hưởng đến thời gian để doanh nghiệp tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác.

Năm là, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này có nơi, có lúc còn chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn. Thực tiễn tại một số địa phương có doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có trường hợp cơ quan quản lý chưa nắm được đầy đủ tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp, các trung tâm hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, khi xảy ra vi phạm cơ quan quản lý mới biết.

Sáu là, người lao động chưa tiếp cận đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan tới hoạt động đi làm việc ở nước ngoài do chỉ tìm hiểu thông tin qua những người quen biết, những người đã đi làm ở người ngoài trở về và có trường hợp nhờ “cò mồi” với nhiều thông tin không chính xác. Trường hợp không có đầy đủ, chính xác thông tin liên quan tới hoạt động đi làm việc ở nước ngoài khiến người lao động không cân nhắc được hết các lợi ích và rủi ro cho mình, thậm chí có trường hợp bị lừa đảo. 

Trước những nội dung còn bất cập, vướng mắc nêu trên đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ hơn điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề “hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” như: vốn và trách nhiệm duy trì các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động. Đối với các quy định về Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nghiên cứu, bổ sung thêm: thời hạn và việc gia hạn Giấy phép; điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,... Xem xét, bổ sung quy định doanh nghiệp phải cam kết thực hiện nghiêm túc Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nhà nước có chính sách cụ thể hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao, một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước đang có nhu cầu đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Luật cũng cần sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể hơn hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với mỗi hình thức đi làm việc ở nước ngoài, như: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề,…  

Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, nghiên cứu mở rộng hơn nội dung hỗ trợ của Quỹ để bảo đảm có cơ sở nhận hỗ trợ từ Quỹ đối với một số hoạt động cần được hỗ trợ của Quỹ.  

Điều chỉnh các quy định liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn lao động để tăng cường nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động theo hướng bổ sung quy định: Căn cứ yêu cầu của bên tiếp nhận nước ngoài, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề và ngoại ngữ đối với người lao động.

Bổ sung quy định trách nhiệm của người lao động phải xuất cảnh khỏi nước đến làm việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động và hết thời hạn cư trú theo quy định để giảm tỷ lệ người lao động vi phạm hợp đồng, không về nước sau khi hết hạn hợp đồng; tăng thời gian cấm đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục đối với các trường hợp ở lại nước ngoài trái phép, bỏ trốn; người đi lao động nước ngoài về phải khai báo với chính quyền cấp xã trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định để kịp thời cập nhật thông tin và phục vụ công tác quản lý. 

Cùng với đó cần bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và các cơ quan chức năng của nước sở tại lao động tới làm việc và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nghiên cứu mở rộng và quy định cụ thể hơn các trường hợp thu hồi giấy phép, đình chỉ có thời hạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Vai trò của các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể tại địa phương trong việc chủ động, trực tiếp tư vấn, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cũng cần được tăng cường và thể hiện trong các quy định cụ thể trong Luật.

Theo dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV./.

Bảo Yến