Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tại phiên họp
Phát biểu ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình MTQG như Tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp thực hiện trên 100 chính sách dân tộc. Việc Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chương trình MTQG là thể chế hóa khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của nhà nước”; thực hiện kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, cơ bản phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công.
Về hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Hồ sơ Chương trình MTQG được chuẩn bị đủ điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, Hồ sơ Chương trình MTQG gửi chậm, ảnh hưởng nhất định đến quá trình, chất lượng thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Về phạm vi, đối tượng, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đối chiếu với Chương trình MTQG đang xây dựng mới, xác định nội dung cụ thể cho từng chương trình nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, loại bỏ những nội dung trùng lặp, chồng chéo giữa Chương trình MTQG này với 02 Chương trình MTQG và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện.
Liên quan đến cơ chế, chính sách huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với các giải pháp chính sách, cơ chế Chương trình đề ra. Đồng thời, thống nhất, cần kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Chương trình MTQG từ trung ương tới địa phương. Nhất trí việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG. Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG đặt tại Ủy ban Dân tộc, nhưng không làm tăng biên chế.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ khẳng định, đây là một quyết định có tính lịch sử và đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình đề xuất, xây dựng, hoàn thiện. Đây là một Chương trình mang dấu ấn sâu sắc, quan trọng trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng lòng mong mỏi của hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.
Từ thực tế trên, Hội đồng Dân tộc đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, để thực hiện từ năm 2021.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xây dựng báo cáo khả thi và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khẩn trương ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN, có quyết định phê duyệt chính thức xã, thôn cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình MTQG./.