EVFTA LÀ MỘT HIỆP ĐỊNH TOÀN DIỆN, CHẤT LƯỢNG CAO VÀ ĐẢM BẢO CÂN BẰNG VỀ LỢI ÍCH CHO CẢ VIỆT NAM VÀ EU

05/06/2020

Trong Phiên họp cho ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Tờ trình nêu rõ, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Theo đó Hiệp định điều chỉnh nhiều vấn đề về thương mại, quy tắc xuất xứ, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Nhà nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình

Được sự Ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày Tờ trình việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU(EVFTA). Theo đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định thì nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên, do đó EU đề xuất tách Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thành 02 Hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) chính là toàn bộ nội dung đã được hai Bên thống nhất trước đây nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiệp định này thuộc thẩm quyền phê chuẩn của EU.  Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước Thành viên.

Hiệp định EVFTA sau đó được hai bên thống nhất và hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký Hiệp định. Ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Ru-ma-ni (đại diện Chủ tịch EU) và Cao ủy thương mại EU đã ký Hiệp định EVFTA.

Về nội dung chính của Hiệp định, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Một số cam kết chính trong EVFTA như sau:

Về thương mại hàng hóa, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA được chia thành các nhóm sau: Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay; Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình; Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan; Nhóm hàng hóa không cam kết.

 Về quy tắc xuất xứ, các quy định về quy tắc xuất xứ mà Việt Nam và EU thống nhất trong EVFTA có các nội dung cơ bản giống như các FTA mà Việt Nam ký kết trước đây. Ngoài ra, hai bên đã thống nhất một số nội dung mới như sau: Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ: Bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng. Cơ chế cộng gộp mở rộng: EVFTA áp dụng cơ chế linh hoạt cho phép sử dụng một số nguyên liệu được nhập khẩu từ một số nước ngoài Hiệp định để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định.          

Về các biện pháp phi thuế theo ngành, Việt Nam và EU thống nhất một số cam kết về các biện pháp phi thuế trong 2 lĩnh vực là ô tô và phụ tùng ô tô; dược phẩm và trang thiết bị y tế.

Về phòng vệ thương mại, Chương Phòng vệ thương mại quy định các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và tự vệ song phương) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi Bên. Về cơ bản, nội dung về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu tuân thủ các quy định của WTO, đồng thời bổ sung thêm một số cam kết chặt chẽ về thủ tục nhằm tăng cường tính minh bạch hóa, bảo đảm tính công bằng như cam kết về minh bạch hóa, tham vấn, quy tắc lựa chọn mức thuế thấp hơn (nếu phù hợp với lợi ích và nhu cầu của ta), xem xét thêm về lợi ích công cộng khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh 3 biện pháp phòng vệ thương mại thông thường, EVFTA quy định một cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Về hải quan và thuận lợi hóa thương mại, EVFTA áp dụng một cách tiếp cận về thủ tục hải quan và kiểm soát biên giới theo hướng hiện đại và thân thiện với hoạt động thương mại qua biên giới; hướng tới sự minh bạch và ổn định pháp lý cho doanh nghiệp.

Về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), bao gồm các quy định cơ bản liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, hợp tác, minh bạch hóa, tham vấn… tương tự Hiệp định TBT của WTO và các FTA khác.

Về các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các điều khoản của Chương SPS trong EVFTA được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp định SPS của WTO và các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị của các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, EVFTA cũng có một số nội dung tạo thuận lợi cho thương mại của hai bên.

Toàn cảnh Phiên họp

Về di chuyển thể nhân, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam và EU cam kết tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các nhóm đối tượng thể nhân sau: Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và khách kinh doanh; Người chào bán kinh doanh; Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.

Về mua sắm của Chính phủ, Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông báo mời thầu tóm tắt bằng tiếng Anh vv…, Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này. Về diện cam kết, Việt Nam cam kết mở cửa mua sắm của các bộ, ngành Trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các hàng hóa và dịch vụ mua sắm thông thường không phục vụ mục tiêu an ninh - quốc phòng), thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc Trung ương. Về ngưỡng mở cửa thị trường, Việt Nam có lộ trình 15 năm để mở cửa dần các hoạt động mua sắm. Ta cũng bảo lưu được một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu để dành riêng cho các nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước trong vòng 18 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 10 năm đầu, tỷ lệ này lên tới 40%; từ năm 11 tới năm thứ 18, tỷ lệ này là 30%; từ năm thứ 19 trở đi, tỷ lệ này được bãi bỏ.

Về sở hữu trí tuệ, cam kết về sở hữu trí tuệ của EVFTA gồm cam kết về quyền tác giả và quyền liên quan, cam kết về quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vv… Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Về doanh nghiệp Nhà nước, quy định về doanh nghiệp nhà nước trong EVFTA nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cam kết cũng tính đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Bởi vậy, EVFTA chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát và doanh nghiệp độc quyền có quy mô hoạt động thương mại đủ lớn đến mức có ý nghĩa trong cạnh tranh.

Về chính sách cạnh tranh và trợ cấp, mục tiêu của Chương về chính sách cạnh tranh trong EVFTA là tạo lập và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi kinh doanh phản cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng. Do đó, các bên có nghĩa vụ áp dụng luật cạnh tranh và duy trì cơ quan quản lý cạnh tranh đủ năng lực để giải quyết các hành vi phản cạnh tranh trên lãnh thổ nước mình trên cơ sở các nguyên tắc minh bạch, công bằng trong thủ tục tố tụng và không phân biệt đối xử, trừ các trường hợp được miễn trừ khi thực hiện mục tiêu chính sách công hoặc nhiệm vụ công ích một cách minh bạch.

Về minh bạch hóa, xuất phát từ thực tiễn môi trường pháp lý trong nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại, EVFTA dành một chương riêng về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, so với WTO và các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết (không tính đến Hiệp định CPTPP), các cam kết trong một số lĩnh vực của EVFTA có mức độ cam kết cao hơn và phạm vi cũng rộng hơn, giúp đem lại những cơ hội lớn hơn cho việc phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU theo hướng toàn diện, bền vững và sâu sắc hơn.

Kết luận một số vấn đề tại Phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý và chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này./.

Hồ Hương